72. Bài học từ việc tố cáo lãnh đạo giả
Tháng 6 năm 2021, hai lãnh đạo trong hội thánh của chúng tôi đã bị cách chức vì không thực hiện công tác thực tế. Khi tôi thông công để mổ xẻ biểu hiện của họ, có chị đã đặt câu hỏi: “Trước khi cách chức hai lãnh đạo giả này, ta cũng phần nào nhận thức được vấn đề của họ. Hơn nữa gần đây, hội thánh cũng đã thông công lẽ thật về việc nhận định các lãnh đạo giả, nên mọi người đều đã hiểu được một chút về biểu hiện của họ. Vậy tại sao không ai trình báo những vấn đề của hai lãnh đạo này trước khi họ bị cách chức?”. Lời chị ấy nói đã tác động mạnh đến tôi. Tôi đã phản tỉnh chính mình. Dù đã nghe rất nhiều nguyên tắc lẽ thật về việc nhận định các lãnh đạo giả, nhưng thực tế tôi vẫn chưa có ý thức phân định các lãnh đạo giả xung quanh mình. Đôi lúc, ngay cả khi nhận thấy ở các lãnh đạo có một số vấn đề, tôi vẫn tỏ thái độ thờ ơ. Tôi nhận thấy thái độ này không phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời, nên tôi muốn thay đổi. Tôi cần phải để ý đến việc phân định con người, sự việc và sự vật xung quanh mình, đồng thời theo dõi công tác của lãnh đạo theo yêu cầu của Đức Chúa Trời, đề nghị hướng dẫn và giúp đỡ khi thấy lãnh đạo thực hiện công tác trái với nguyên tắc. Nếu tôi xác định là lãnh đạo giả hay kẻ địch lại Đấng Christ, tôi phải trình báo lên lãnh đạo cấp trên để bảo vệ lợi ích của hội thánh.
Sau này, tôi sống với chị Vương Ngọc, lãnh đạo của một hội thánh khác. Ban đầu, tôi thấy chị ấy là người hòa nhã và không có phong thái lãnh đạo, dễ hòa đồng. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy chị ấy sống thể hiện ra nhân tính kém. Dường như chị ấy rất ham ăn và lười biếng. Khi thấy đồ đạc bẩn, chị ấy không chủ động dọn mà chỉ nói suông. Đôi khi, chị ấy nhờ người khác làm những nhiệm vụ mà mình có thể tự làm được. Những chị em xung quanh đều có chút bất mãn với hành vi của chị ấy. Ban đầu, tôi nghĩ Vương Ngọc chỉ có vấn đề với việc sống thể hiện ra nhân tính, đó không phải vấn đề về nguyên tắc, nên cũng không để tâm. Sau này, tôi thấy chị ấy thường tham dự các buổi nhóm họp trực tuyến trong phòng, đôi lúc còn mang máy tính đến bàn ăn để vừa ăn vừa nhóm họp, thậm chí đôi khi còn nhóm họp đến khuya, nhưng các anh chị em lại nói chị ấy hiếm khi giải quyết được những khó khăn và vấn đề họ gặp phải khi thực hiện bổn phận. Ban đầu, tôi thấy chị ấy là lãnh đạo hội thánh thì phải quan tâm đến nhiều khía cạnh của công tác, và điều này không dễ dàng. Nếu chị ấy có chút thiếu sót trong công việc thì cũng chẳng có gì to tát, nên tôi không để ý tới những chuyện như vậy. Nhưng sau này, tôi cảm thấy có gì đó không ổn. Với tư cách là lãnh đạo hội thánh, bổn phận chính của chị là thông công lẽ thật và giải quyết những vấn đề và khó khăn của anh chị em. Chị ấy thường tổ chức nhóm họp trực tuyến với các anh chị em, dù có vẻ rất bận rộn nhưng lại không giải quyết được các vấn đề thực tế. Như vậy chẳng phải chỉ là nói đạo lý sáo rỗng mà không làm được công tác thực tế sao? Tôi nhớ lời thông công của Đức Chúa Trời đã vạch rõ rằng một số lãnh đạo giả nhóm họp trực tuyến cả ngày và tỏ vẻ bận rộn, nhưng chỉ nói câu chữ, đạo lý, và làm việc hời hợt. Còn những vấn đề thực tế trong công tác liên quan đến nguyên tắc lẽ thật, họ không thể phát hiện hay thông công rõ ràng, khiến nhiều công tác bị trì hoãn. Tôi tự hỏi liệu Vương Ngọc có phải là một lãnh đạo giả mà Đức Chúa Trời đã vạch rõ không? Sau này, tôi nghe một chị khác nói rằng Vương Ngọc không thể thông công thực tế lẽ thật hay giải quyết những vấn đề thực tế khi nhóm họp. Có lần, tình trạng của chị ấy khá tiêu cực và việc này ảnh hưởng đến bổn phận của chị. Biết được điều đó, Vương Ngọc chỉ gửi cho chị ấy một vài đoạn lời Đức Chúa Trời mà không hề thông công. Cũng có một số chị em phối hợp chưa được hài hòa và việc này được báo cáo cho Vương Ngọc, nhưng chị ấy không thông công với họ để giải quyết vấn đề. Sau này, tôi phát hiện Vương Ngọc đã bất cẩn và thiếu nguyên tắc khi sắp xếp mọi việc. Có một chị thực hiện bổn phận sản xuất video, Vương Ngọc thấy chị ấy cũng phù hợp với việc chăm tưới những tín đồ mới. Vương Ngọc không hề tìm hiểu trước về tình hình bổn phận của chị ấy, hay trao đổi với người phụ trách để xem cách bố trí này có hợp lý không, mà lại trực tiếp giao cho chị ấy việc chăm tưới tín đồ mới bán thời gian. Mọi người đều cảm thấy Vương Ngọc đã suy nghĩ quá đơn giản về chuyện này, vì bổn phận chăm tưới đòi hỏi phải thấu hiểu và giải quyết kịp thời những tình trạng và khó khăn của người mới. Để thực hiện tốt bổn phận này, cần phải đầu tư rất nhiều thời gian và sức lực. Chị ấy có kỹ năng sản xuất video, nếu phối hợp không đúng cách, việc để chị ấy chăm tưới người mới sẽ làm trì hoãn bổn phận chính của chị ấy. Nhưng Vương Ngọc vẫn giao việc chăm tưới người mới cho chị ấy. Thấy Vương Ngọc sắp xếp công tác như vậy, tôi có chút hoài nghi và nghĩ: “Chị ấy sắp xếp mọi việc quá bất cẩn, không chịu tìm hiểu hay trao đổi gì cả. Thế thì với những việc quan trọng trong công tác của hội thánh, chị ấy sẽ xử lý thế nào chứ? Chị ấy có tố chất và năng lực để làm lãnh đạo không? Có thể thực hiện công tác thực tế không?”. Trong lòng tôi cứ thắc mắc, và mơ hồ cảm thấy Vương Ngọc có gì đó không ổn. Tôi đã nghĩ đến việc báo cáo lên lãnh đạo cấp trên để họ điều tra và tìm hiểu biểu hiện thực tế của chị ấy. Nhưng rồi tôi lại nghĩ: “Nếu những gì mình trình báo là đúng và Vương Ngọc quả thực là một lãnh đạo giả, thì đây là hành động chính nghĩa để bảo vệ công tác của hội thánh. Nhưng nếu đó chỉ là quan điểm chưa chuẩn xác của mình, Vương Ngọc không có vấn đề gì nghiêm trọng và có thể làm một số công tác thực tế, thì liệu các anh chị em có nói rằng mình không hiểu lẽ thật mà lại mù quáng trình báo và hấp tấp xen vào chuyện này không? Nếu chuyện đó gây gián đoạn và nhiễu loạn thì mọi người có nói mình có nhân tính xấu, không đối xử đúng mực với lãnh đạo và tùy tiện xét đoán chị ấy không? Lúc ấy, liệu lãnh đạo cấp trên có cách chức mình không? Nếu Vương Ngọc biết mình trình báo vấn đề của chị ấy, liệu chị ấy có để bụng rồi sau này mình mà có vấn đề thì sẽ thừa cơ chỉ trích không? Mình và Vương Ngọc sống chung, ngày nào cũng gặp nhau. Lúc đó nhìn nhau cũng ngại!”. Nghĩ đến đây, tôi do dự và tự an ủi mình: “Những gì mình thấy không phải là vấn đề lớn, đó chỉ là những thiếu sót nhỏ về việc sống thể hiện ra nhân tính và năng lực làm việc kém một chút. Nhìn chị ấy nhóm họp trực tuyến mỗi ngày, chắc hẳn chị cũng gánh chút trọng trách. Thôi bỏ đi, mình sẽ không tố cáo chị ấy. Nếu chị ấy thực sự không làm công tác thực tế, các anh chị em trong hội thánh sẽ tố cáo. Lãnh đạo và người làm công cũng sẽ theo dõi và giám sát công tác của chị ấy, nên họ sẽ hiểu vấn đề của chị ấy. Mình không nên lo lắng và xen vào chuyện này nữa”. Sau khi nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định không trình báo vấn đề của chị ấy. Nhưng khi quyết định bỏ qua, tôi lại cảm thấy lòng bất an và cắn dứt lương tâm. Tôi thấy rõ rằng chị ấy có những biểu hiện không thực hiện công tác thực tế, tôi cũng nhận ra đó là vấn đề, nhưng lại luôn muốn trốn tránh và gạt chuyện này sang một bên. Như vậy đúng là vô trách nhiệm! Nếu chị ấy đúng là lãnh đạo giả và không thực hiện công tác thực tế, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lối vào sự sống của anh chị em và làm trì hoãn công tác của hội thánh. Tôi đã tự phản tỉnh: Tại sao mình lại do dự khi trình báo vấn đề của Vương Ngọc chứ? Mình lo lắng điều gì? Tâm tính bại hoại nào đang kìm kẹp mình?
Sau đó, tôi đọc được đoạn lời này của Đức Chúa Trời: “Khía cạnh nổi bật nhất trong triết lý xử thế của con người là sự xảo quyệt. Con người nghĩ rằng nếu không xảo quyệt, họ dễ đắc tội với người khác và không thể bảo vệ bản thân; họ nghĩ mình phải đủ xảo quyệt để không làm tổn thương hay đắc tội với bất kỳ ai, nhờ đó giữ cho bản thân mình an toàn, bảo vệ sinh kế của mình, và đạt được chỗ đứng vững vàng giữa mọi người. Tất cả những người ngoại đạo đều sống theo triết lý của Sa-tan. Họ đều là những người dễ dãi và không đắc tội với ai cả. Ngươi đã đến nhà Đức Chúa Trời, đọc lời Đức Chúa Trời, và nghe các bài giảng của nhà Đức Chúa Trời. Vậy tại sao ngươi không thể thực hành lẽ thật, không thể nói lời thật lòng và làm người trung thực? Tại sao ngươi luôn là người dễ dãi? Người dễ dãi chỉ bảo vệ lợi ích của bản thân, chứ không phải lợi ích của hội thánh. Khi thấy ai đó hành ác và làm tổn hại đến lợi ích của hội thánh, thì họ lờ đi. Họ thích làm người dễ dãi, và không đắc tội với ai cả. Đây là vô trách nhiệm, và kiểu người này rất xảo quyệt, không đáng tin. Để bảo vệ hư vinh và thể diện của bản thân, cũng như duy trì danh tiếng và địa vị của mình, một số người vui vẻ giúp đỡ người khác và xả thân vì bạn bè bằng bất kể giá nào. Nhưng khi họ cần phải bảo vệ lợi ích của nhà Đức Chúa Trời, lẽ thật và chính nghĩa, thì lòng tốt đó lại hoàn toàn tan biến. Khi phải thực hành lẽ thật, họ lại không hề làm. Đây là chuyện gì vậy? Để bảo vệ tôn nghiêm và thể diện của bản thân mình, họ sẽ trả bất cứ giá nào và chịu bất cứ đau khổ nào. Nhưng khi họ cần làm công tác thực tế, xử lý những chuyện thực tế, bảo vệ công tác của hội thánh và những điều tích cực, bảo vệ cũng như cung cấp cho dân được Đức Chúa Trời chọn, tại sao họ lại không còn sức mạnh để trả giá hay chịu khổ chút nào? Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật ra, họ có kiểu tâm tính chán ghét lẽ thật. Tại sao Ta nói tâm tính họ chán ghét lẽ thật? Bởi vì bất cứ khi nào có điều gì liên quan đến việc làm chứng cho Đức Chúa Trời, thực hành lẽ thật, bảo vệ dân được Đức Chúa Trời chọn, chống lại quỷ kế của Sa-tan, hay bảo vệ công tác của hội thánh, họ lại bỏ trốn, ẩn náu, và không quan tâm chút gì đến những chuyện chính. Khí khái anh hùng và tinh thần chịu khổ của họ đâu rồi? Họ dùng chúng ở đâu chứ? Điều này rất dễ thấy. Ngay cả khi có người khiển trách họ và nói họ không nên quá ích kỷ, hèn hạ và bảo vệ bản thân mình, mà nên bảo vệ công tác của hội thánh, thì họ cũng chẳng thực sự quan tâm. Họ tự nhủ: ‘Mình không làm những việc đó, chúng đâu có liên can gì đến mình. Làm như vậy thì có lợi gì cho việc mưu cầu danh lợi của mình chứ?’. Họ không phải là người mưu cầu lẽ thật. Họ thích mưu cầu danh lợi, địa vị, và không hề làm công tác Đức Chúa Trời giao phó. Thế nên khi cần họ thực hiện công tác của hội thánh, họ đơn giản là chọn cách bỏ trốn. Như thế nghĩa là trong thâm tâm, họ không thích những điều tích cực và không hứng thú với lẽ thật. Điều này là biểu hiện rõ ràng của sự chán ghét lẽ thật” (Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). “Hầu hết mọi người đều muốn mưu cầu và thực hành lẽ thật, nhưng phần lớn thời gian họ chỉ dừng ở một quyết tâm và khao khát làm như vậy; lẽ thật chưa trở thành sự sống của họ. Kết quả là, khi họ gặp phải các thế lực tà ác hay đối mặt với những kẻ ác và người xấu làm những việc ác, hay những lãnh đạo giả và những kẻ địch lại Đấng Christ làm việc theo cách vi phạm các nguyên tắc – do đó làm nhiễu loạn công tác của hội thánh và gây hại cho dân được Đức Chúa Trời chọn – họ mất dũng khí để đứng ra và lên tiếng. Khi ngươi không có dũng khí có nghĩa là gì? Có phải nó có nghĩa là ngươi nhút nhát hay không thể nói nên lời không? Hay có phải là ngươi không hiểu thấu đáo, và do đó không tự tin lên tiếng? Cũng không; đây chủ yếu là hậu quả của việc bị tâm tính bại hoại kìm kẹp. Một trong những tâm tính bại hoại ngươi bộc lộ là tâm tính giả dối; khi có chuyện xảy ra với ngươi, điều đầu tiên ngươi nghĩ đến là tư lợi, điều đầu tiên ngươi cân nhắc là hậu quả, xem liệu điều này có lợi cho mình hay không. Đây là tâm tính giả dối, không phải sao? Một tâm tính khác là sự ích kỷ và đê tiện. Ngươi nghĩ: ‘Thiệt hại về lợi ích của nhà Đức Chúa Trời có ảnh hưởng gì tới tôi? Tôi không phải là lãnh đạo nên sao tôi phải quan tâm? Điều đó không liên quan gì đến tôi cả. Đó không phải là trách nhiệm của tôi’. Những suy nghĩ và lời nói như vậy không phải là điều mà ngươi chủ ý suy nghĩ, mà được tạo ra bởi tiềm thức của ngươi – đó là tâm tính bại hoại bị bộc lộ khi người ta gặp phải một vấn đề” (Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Lời Đức Chúa Trời đã vạch rõ tâm tính bại hoại của tôi. Tôi đúng là ích kỷ và giả dối. Tôi thấy Vương Ngọc không giải quyết được vấn đề thực tế hoặc không thực hiện công tác thực tế trong nhiều chuyện, những việc làm của chị ấy đã gây tổn hại đến lợi ích của hội thánh. Thế mà tôi lại lo rằng nếu mình tố cáo sai chị ấy, anh chị em sẽ nghĩ xấu về tôi, rằng tôi có thể bị cách chức, thậm chí còn sợ đắc tội Vương Ngọc và phá hỏng mối quan hệ của cả hai, khiến sau này chúng tôi khó hòa hợp. Vậy nên tôi không muốn tố cáo chị ấy. Để bảo vệ bản thân và tư lợi, tôi đã giữ im lặng về những vấn đề mình thấy. Tôi không thực hành lẽ thật hay bảo vệ công tác của hội thánh, điều này với Đứa Chúa Trời thật đáng ghê tởm và đáng ghét. Nghĩ đến biểu hiện của Vương Ngọc hành động thiếu nguyên tắc, không thể xác định được ưu tiên trong công tác của mình, không thực hiện công tác thực tế, mặc dù không thể chắc chắn 100% chị ấy là lãnh đạo giả, nhưng tôi có thể thấy các vấn đề của chị ấy đã ảnh hưởng đến lối vào sự sống của anh chị em và công tác của hội thánh. Tôi nên trình báo vấn đề này lên lãnh đạo cấp trên càng sớm càng tốt, để họ hiểu tình hình và điều tra, xác minh. Nếu được xác nhận là lãnh đạo giả, chị nên bị điều chỉnh và cách chức theo nguyên tắc. Nếu chỉ có một số sai sót trong công tác, lãnh đạo có thể giúp chị ấy thông qua thông công về những vấn đề này. Còn nếu chị ấy tiếp tục làm việc như vậy thì sẽ gây trì hoãn công tác của hội thánh và gây hại đến lối vào sự sống của anh chị em. Tuy nhiên, trước đây tôi nghĩ rằng các vấn đề của Vương Ngọc không liên quan trực tiếp đến mình, việc trình báo sai có thể gây hại cho hư danh và tương lai của tôi. Vì chưa nhìn thấu các vấn đề của chị ấy, tôi đã lấy việc “Mình chưa nhìn thấu vấn đề và sợ trình báo sai” làm cái cớ để không tố cáo chị ấy với lãnh đạo cấp trên. Tôi cũng biện minh rằng nếu chị ấy đúng là lãnh đạo giả và không thực hiện công tác thực tế, thì các anh chị em khác sẽ tố cáo chị ấy. Tôi muốn đẩy “chuyện đắc tội người” cho người khác và trốn tránh như kẻ hèn nhát. Để duy trì mối quan hệ với Vương Ngọc, bảo vệ hư danh, triển vọng và vận mệnh của mình, tôi đã không hề cân nhắc đến lợi ích của hội thánh hay bảo vệ công tác của hội thánh. Tôi thật ích kỷ và giả dối khi theo đuổi những triết lý của Sa-tan như “Người không vì mình, trời tru đất diệt”, “Khôn ngoan bảo vệ mình, chỉ cầu không phạm lỗi”, và “Chuyện không phạm đến mình thì cứ mặc kệ nó”. Những điều này đã ăn sâu vào lòng tôi, chi phối suy nghĩ của tôi, khiến tôi nói gì và làm gì cũng luôn cân nhắc đến lợi ích cá nhân, trở nên quá thận trọng và thiếu quyết đoán. Ngay cả khi thấy lãnh đạo có vấn đề, tôi cũng không muốn tố cáo chị ấy, chỉ trơ mắt đứng nhìn mọi chuyện diễn ra, để lợi ích của hội thánh bị tổn hại. Tôi thấy việc sống theo tâm tính và triết lý Sa-tan đã khiến tôi trở nên thật đáng khinh và đê tiện, hoàn toàn thiếu đi sự chính trực và không có hình tượng giống con người. Nếu cứ tiếp tục như vậy và không ăn năn, tôi sẽ bị Đức Chúa Trời ghét bỏ và đào thải. Những suy nghĩ này khiến tôi sợ hãi, tôi nhận ra mình phải nhanh chóng thoát khỏi sự ràng buộc của tâm tính Sa-tan và không để nó kiểm soát nữa.
Khi phản tỉnh như vậy, tôi cũng nhận ra mình đã có quan điểm sai lầm. Tôi lo mình không thể nhìn nhận mọi thứ một cách chính xác hoặc toàn diện, nên nếu tôi tố cáo sai, điều đó sẽ gây gián đoạn và nhiễu loạn. Vì vậy, tôi đã không dám trình báo vấn đề của Vương Ngọc. Sau đó, tôi đã bình tâm lại và suy ngẫm: “Quan điểm này có đúng không? Nó có phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật không?”. Tôi nhớ lại những lời này của Đức Chúa Trời: “Liệu nhân tài được nhà Đức Chúa Trời đề bạt và bồi dưỡng có đủ khả năng đảm nhận công tác và làm tốt bổn phận của họ trong thời gian được đề bạt và bồi dưỡng hoặc trước khi được đề bạt và bồi dưỡng không? Dĩ nhiên là không. Vì vậy, không thể tránh khỏi rằng, trong thời gian được bồi dưỡng, những người này sẽ trải nghiệm việc bị tỉa sửa, bị phán xét và hành phạt, vạch trần và thậm chí thay thế; đây là chuyện bình thường. Đó gọi là bồi dưỡng và huấn luyện. Mọi người không được có những kỳ vọng cao hay đòi hỏi không thực tế với những người được đề bạt và bồi dưỡng, đây đều là những chuyện không hợp lý và không công bằng đối với họ. Các ngươi có thể giám sát công tác của họ, và nếu phát hiện ra những vấn đề hoặc những điều vi phạm nguyên tắc trong quá trình công tác của họ, ngươi có thể nêu ra vấn đề và tìm kiếm lẽ thật để giải quyết chúng. Điều ngươi không được làm là xét đoán, lên án, tấn công hoặc bài xích họ, bởi vì họ chỉ đang trong thời gian được bồi dưỡng. Các ngươi không nên xem họ như những người đã được làm cho hoàn thiện, càng không nên xem họ như những người trọn vẹn, hoặc như những người có thực tế lẽ thật. … Vậy cách hợp lý nhất để đối đãi với họ là gì? Hãy nghĩ về họ như những người bình thường và khi có vấn đề cần tìm kiếm, hãy thông công với họ và học hỏi từ những điểm mạnh của nhau và bổ khuyết cho nhau. Ngoài ra, mọi người có trách nhiệm giám sát xem các lãnh đạo và người làm công có đang làm công tác thực tế hay không, liệu họ có sử dụng lẽ thật để giải quyết các vấn đề hay không; đây là những tiêu chuẩn và nguyên tắc để đánh giá xem liệu một lãnh đạo hay người làm công có đạt tiêu chuẩn hay không. Nếu lãnh đạo và người làm công có khả năng xử lý và giải quyết các vấn đề chung thì họ có năng lực. Nhưng nếu họ thậm chí không thể xử lý và khắc phục các vấn đề thông thường, thì họ không thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo hay người làm công, và phải nhanh chóng bị cách chức. Phải chọn người khác, đừng trì hoãn công tác của nhà Đức Chúa Trời. Trì hoãn công tác của nhà Đức Chúa Trời là hại người hại mình, điều đó không tốt cho ai cả” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (5), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu được nguyên tắc đối xử với lãnh đạo và người làm công. Lãnh đạo và người làm công vẫn đang trong giai đoạn đào tạo; họ chưa đạt được sự cứu rỗi và hoàn thiện, họ cũng là những người bại hoại. Ta cần đối xử với họ đúng cách: Nếu một lãnh đạo chỉ bộc lộ sự bại hoại hoặc có sai sót trong công tác do thời gian thực hành ngắn, và đó không phải là vấn đề lớn, ta nên giúp đỡ và tỉa sửa họ bằng tình yêu thương. Nhưng nếu một lãnh đạo hoặc người làm công có tố chất kém hoặc không có năng lực làm việc, không thể thực hiện công tác thực tế, hoặc nếu nhân tính của một lãnh đạo nào đó có vấn đề, và họ đang đi con đường sai lầm, không làm công tác thực tế, thì việc cứ tiếp tục sử dụng một lãnh đạo như thế sẽ làm trì hoãn lối vào sự sống của anh chị em và công tác của hội thánh. Khi phát hiện lãnh đạo giả như vậy, ta phải phơi bày và tố cáo họ. Đức Chúa Trời chưa bao giờ nói rằng nếu không thể nhìn thấu điều gì đó, ta có thể ngồi yên và phớt lờ nó, hay không phải thực hành lẽ thật. Thay vào đó, với những khó khăn và vấn đề không thể nhìn thấu, ta nên tìm những người hiểu lẽ thật để thông công và tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật, hoặc báo cáo lên lãnh đạo cấp trên. Dù có báo cáo sai thì cũng không sao, điều quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề. Nếu ta ngồi yên không làm gì vì không thể nhìn thấu vấn đề, sợ hãi khi tố cáo những điều sai trái, và khi mọi chuyện xảy ra khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, làm trì hoãn công tác và tổn hại lợi ích của hội thánh, lúc đó có nói gì thì cũng đã muộn và không thể sửa chữa những tổn thất đã gây ra. Trước đây, tôi không rõ thế nào là gây gián đoạn và nhiễu loạn, nhưng sau này tôi đã hiểu hơn thông qua việc tìm kiếm và thông công. Hành động của một người có gây gián đoạn và nhiễu loạn hay không chủ yếu phụ thuộc vào ý định của người đó có đúng hay không, vấn đề mà họ trình báo có đúng và có liên quan đến lợi ích và nguyên tắc của hội thánh hay không. Nếu ý định của họ đúng, những gì họ báo cáo là sự thật, và vì bảo vệ lợi ích của hội thánh, thì kể cả khi đó họ không thấy rõ một người có phải lãnh đạo giả không, việc trình báo vấn đề theo những sự thật họ thấy cũng là để bảo vệ công tác của hội thánh chứ không phải là gây ra gián đoạn và nhiễu loạn. Tuy nhiên, nếu họ có ý định sai trái và động cơ mờ ám như tranh giành quyền lực, thừa cơ lấy những sai sót trong công tác của lãnh đạo ra để xé chuyện bé ra to, để lật đổ và thế chỗ họ, hay thể hiện sự oán trách do bị lãnh đạo tỉa sửa, bới lông tìm vết, bóp méo sự thật để công kích, phán xét lãnh đạo và trút giận cá nhân, soi mói lãnh đạo dựa trên tâm tính ngạo mạn của họ, thừa cơ nhắm vào những lần lãnh đạo bộc lộ sự bại hoại, sai sót, vấn đề, điểm yếu hoặc thiếu sót trong bổn phận của họ, lúc nào cũng lên tiếng phản đối, sơ hở là bắt bẻ và không chịu bỏ qua, thì đấy mới chính là gây gián đoạn và nhiễu loạn. Nhận ra điều này, tôi đã hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa tìm kiếm bình thường và tố cáo vấn đề với gây gián đoạn và nhiễu loạn.
Sau khi hiểu nguyên tắc, tôi lại nghĩ đến vấn đề của Vương Ngọc, và nhận thấy việc chị ấy sống thể hiện ra nhân tính kém không phải là vấn đề lớn, nếu có sự hướng dẫn và giúp đỡ hợp lý thì có cơ hội thích hợp là xử lý được. Nhưng việc chị ấy sắp xếp mọi việc một cách vội vàng và thiếu nguyên tắc đã quấy nhiễu bổn phận của anh chị em và công tác của hội thánh. Chị ấy cũng không chú ý đến trách nhiệm chính của mình, thiếu nhận thức đúng đắn về gánh nặng, không đạt được kết quả trong công tác mình phụ trách, không giải quyết được tình trạng và vấn đề của anh chị em. Những điều này liên quan đến việc liệu chị ấy có thể thực hiện và đã thực hiện công tác thực tế hay chưa. Dù không thể nhìn thấu những điều này và kết luận rằng chị ấy là lãnh đạo giả, thì tôi cũng có thể trình báo và tìm kiếm sự dẫn dắt. Vì tôi không có ý định làm khó hay tận dụng điều đó để chống lại chị ấy, nên việc thực hành như vậy là phù hợp. Tôi không thể lấy việc “Nếu không nhìn thấu chuyện đó mà trình báo sai thì sẽ gây ra gián đoạn và nhiễu loạn” làm cái cớ để cho chuyện này trôi qua được. Như vậy là vô trách nhiệm với công tác của hội thánh, không bảo vệ lợi ích của hội thánh và không thực hành lẽ thật.
Sau đó, tôi đọc được một đoạn lời khác của Đức Chúa Trời: “Một khi lẽ thật đã trở thành sự sống trong ngươi, khi ngươi quan sát thấy một người nào đó phạm thượng đối với Đức Chúa Trời, không kính sợ Đức Chúa Trời, qua loa chiếu lệ trong khi thực hiện bổn phận của họ, hoặc người nào đó làm gián đoạn và nhiễu loạn công tác của hội thánh, ngươi sẽ phản ứng theo các nguyên tắc của lẽ thật, sẽ có thể phân định và phơi bày họ khi cần thiết. … Nếu ngươi là người thực sự tin Đức Chúa Trời, thì dù ngươi chưa đạt được lẽ thật và sự sống, chí ít ngươi cũng sẽ nói và hành động từ phía Đức Chúa Trời; chí ít, ngươi cũng sẽ không thừ ra đó khi thấy những lợi ích của nhà Đức Chúa Trời bị tổn hại. Khi ngươi giục lòng nhắm mắt làm ngơ, ngươi sẽ cảm thấy tội lỗi, không thoải mái, và sẽ tự nhủ: ‘Mình không thể ngồi đây và không làm gì, mình phải đứng lên và nói gì đó, mình phải gánh lấy trách nhiệm, mình phải vạch trần hành vi xấu xa này, mình phải ngăn chặn nó, để những lợi ích của nhà Đức Chúa Trời không bị tổn hại, và đời sống hội thánh không bị nhiễu loạn’. Nếu lẽ thật đã trở thành sự sống của ngươi, thì ngươi sẽ không chỉ có dũng khí, quyết tâm này, và sẽ không chỉ có khả năng hiểu vấn đề hoàn toàn, mà ngươi còn thực hiện trách nhiệm mình nên gánh vác vì công tác của Đức Chúa Trời và vì lợi ích của nhà Ngài, và bổn phận của ngươi bởi đó sẽ được thực hiện” (Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt). Từ lời Đức Chúa Trời, tôi hiểu rằng những người có thực tế lẽ thật đều có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Khi gặp chuyện, họ hành động theo nguyên tắc lẽ thật. Khi thấy những vấn đề gây tổn hại đến lợi ích của hội thánh, làm gián đoạn và nhiễu loạn công tác của hội thánh, họ sẽ không đứng yên hay phớt lờ, không ưu tiên duy trì mối quan hệ với người khác hay bảo vệ lợi tư lợi. Thay vào đó, họ tập trung bảo vệ lợi ích và công tác của hội thánh. Họ dũng cảm phơi bày những điều tiêu cực và hành động theo nguyên tắc, họ có ý thức gánh trọng trách và có trách nhiệm trong bổn phận. Bấy giờ Đức Chúa Trời đã sắp xếp để tôi thấy được những vấn đề của Vương Ngọc, tôi có trách nhiệm theo dõi và giải quyết những vấn đề đó, không thể nhắm mắt làm ngơ. Tôi phải đưa vấn đề này ra để tìm kiếm và phản ánh lên lãnh đạo cấp trên. Bất kể các anh chị em có nhìn nhận gì về tôi, hay dù tôi có bị đàn áp hoặc trừng trị, thì tôi cũng phải hành động theo nguyên tắc lẽ thật. Tôi nên có đức tin nới Đức Chúa Trời và tin vào sự công chính của Ngài. Nghĩ đến đây, tôi không còn lo lắng nữa. Sau đó, tôi đã tìm đến lãnh đạo cấp trên để trình báo vấn đề. Lãnh đạo đã cẩn thận và kiên nhẫn lắng nghe tôi, khuyến khích tôi nói ra những điều mình thấy được. Chị ấy nói rằng nhà Đức Chúa Trời đặc biệt ủng hộ những người thực sự có thể phơi bày, tố cáo lãnh đạo giả và những kẻ địch lại Đấng Christ, những người đó khiến Đức Chúa Trời thấy được an ủi. Vì vậy, tôi đã kể hết mọi vấn đề của Vương Ngọc. Lãnh đạo cũng thấy rằng Vương Ngọc có vấn đề, mỗi lần chị ấy kiểm tra công tác của Vương Ngọc, Vương Ngọc đều báo cáo rất tích cực nhưng thực tế lại không có tiến triển. Lãnh đạo cũng đã nghĩ đến việc xem xét biểu hiện của Vương Ngọc trong công việc.
Ngày hôm sau, lãnh đạo yêu cầu các anh chị em quen biết với Vương Ngọc viết đánh giá. Kết quả rất bất ngờ, vấn đề của Vương Ngọc nghiêm trọng hơn tôi tưởng tượng. Theo đánh giá của anh chị em, tôi thấy rằng Vương Ngọc tỏ ra rất bận rộn, ngày nào cũng nhóm họp trực tuyến, thường nhóm họp đúng giờ và dành nhiều thời gian nhóm họp, nhưng lời thông công của chị ấy chỉ là câu chữ va đạo lý, không thể giải quyết những vấn đề thực tế. Một lần nọ, có một chị đang ở tình trạng tiêu cực và đã chủ động tìm kiếm Vương Ngọc để thông công, chị ấy đã nhiều lần nhắn tin cho Vương Ngọc nhưng lại không được giúp đỡ. Đến khi họ sắp xếp được thời gian, nhưng chưa kịp thông công gì thì Vương Ngọc lại để chị ấy một mình và đi giải quyết chuyện riêng, thể hiện thái độ rất lạnh lùng và ích kỷ. Vương Ngọc hiếm khi nào kiểm tra và theo dõi bổn phận của các anh chị em, mà có làm thì cũng chỉ làm cho có lệ. Chị ấy không chủ động phát hiện hay giải quyết các vấn đề và khó khăn, không hoàn thành vai trò của một lãnh đạo. Khi thấy kết quả thực hiện bổn phận của các anh chị em không tốt, chị ấy chỉ nhắc nhở và thúc giục họ như thể mình là quản đốc ở nhà máy. Còn với những vấn đề thực tế như bổn phận đang vướng mắc ở đâu hay cách tìm ra giải pháp, chị ấy chẳng mảy may quan tâm. Ngoài ra, chị ấy còn không có nguyên tắc trong việc điều chỉnh nhân sự. Chị ấy đã chuyển hai người rao truyền phúc âm quan trọng sang thực hiện công việc sự vụ, chẳng bao lâu sau, công tác phúc âm cũng bị ảnh hưởng, nên chị ấy lại cho họ làm lại nhiệm vụ cũ. Chị ấy cũng làm như vậy khi tìm người chăm tưới, không hề xem xét tình hình bổn phận của anh chị em, chỉ chọn bừa một người mà chị thấy phù hợp và không hề cân nhắc kỹ lưỡng, từ đó làm nhiễu loạn bổn phận của anh chị em và làm gián đoạn công tác của hội thánh… Sau khi anh chị em phơi bày hành vi của chị ấy, rõ ràng là Vương Ngọc không những không thúc đẩy công tác hội thánh mình phụ trách mà còn gây cản trở.
Sau đó, tôi đã đọc được hai đoạn lời Đức Chúa Trời giúp tôi hiểu rõ hơn về thực chất hành động của Vương Ngọc. Lời Đức Chúa Trời phán: “Để phán đoán xem một lãnh đạo rốt cuộc có làm tròn chức trách của lãnh đạo và người làm công hay không, rốt cuộc có phải là lãnh đạo giả hay không, thì nên đánh giá như thế nào? Điểm cơ bản nhất là trước hết nhìn xem người đó có thể làm công tác thực tế không, có tố chất này không, sau đó thì xem họ có mang gánh nặng để làm tốt hạng mục công tác này không. Ngươi đừng nhìn xem ngoài miệng họ nói hay thế nào, hiểu đạo lý ra sao, cũng đừng nhìn xem khi làm những việc bề ngoài thì họ có tài cán hay ân tứ gì, những chuyện này không quan trọng. Điều cốt yếu nhất là liệu họ có thể làm tốt những hạng mục công tác cơ bản nhất của hội thánh hay không, liệu họ có thể dùng lẽ thật để giải quyết vấn đề hay không và liệu họ có thể dẫn dắt mọi người vào thực tế của lẽ thật hay không. Đây là công tác căn bản và mang tính thực chất nhất. Nếu họ không làm được những hạng mục công tác thực tế này, thì dù tố chất của họ tốt đến đâu, họ có tài cán đến đâu, hay có thể chịu khổ và trả giá như thế nào, thì họ vẫn là lãnh đạo giả. Có những người nói: ‘Đừng nhìn vào chuyện bây giờ họ không làm công tác thực tế nào. Họ có tố chất và năng lực mà, họ rèn luyện một thời gian thì chắc chắn họ sẽ có thể làm được công tác thực tế. Hơn nữa, họ cũng chưa làm việc xấu gì, cũng không hành ác hay gây gián đoạn và nhiễu loạn, làm sao có thể nói họ là lãnh đạo giả chứ?’. Vấn đề này nên giải thích thế nào đây? Bất kể ngươi có tài cán đến đâu, tố chất và tri thức văn hóa cao thấp thế nào, bất kể ngươi có thể hô hào bao nhiêu khẩu hiệu, nắm vững bao nhiêu câu chữ và đạo lý, bất kể mỗi ngày ngươi bận rộn đến đâu, mệt mỏi cỡ nào, bất kể ngươi bôn ba bao nhiêu nẻo đường, đi đến bao nhiêu hội thánh, chịu bao nhiêu nguy hiểm, bao nhiêu khổ, đừng nhìn vào những chuyện này. Hãy nhìn xem khi làm công tác, ngươi có dựa vào sự sắp xếp công tác không, có thực hiện chuẩn xác sự sắp xếp công tác hay không, trong thời gian làm lãnh đạo, ngươi có tham gia vào mỗi một hạng mục công tác cụ thể mà ngươi phụ trách hay không, rốt cuộc đã giải quyết được bao nhiêu vấn đề thực tế, trong số những người được ngươi lãnh đạo và chỉ dẫn, có bao nhiêu người hiểu được nguyên tắc lẽ thật rồi, công tác của hội thánh đã tiến triển và phát triển được bao nhiêu, nên nhìn xem ngươi có đạt được những hiệu quả đó hay không. Bất kể cụ thể ngươi làm công tác nào, hãy nhìn xem ngươi có liên tục theo sát và chỉ đạo công tác không, hay là ngươi ăn trên ngồi trốc mà chỉ tay ra lệnh. Ngoài ra, còn một chuyện để nhìn vào nữa, đó là khi làm bổn phận, ngươi có lối vào sự sống hay không, có thể làm việc theo nguyên tắc hay không, có lời chứng về việc thực hành lẽ thật hay không, có thể xử lý và giải quyết vấn đề thực tế của dân được Đức Chúa Trời chọn hay không, v.v.. Hết thảy những câu hỏi này là tiêu chuẩn để kiểm tra xem một lãnh đạo hay người làm công nào đó có làm tròn trách nhiệm hay không” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (9), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). “Khi làm công tác của hội thánh, về cơ bản thì lãnh đạo giả sẽ không làm được công tác mang tính thực chất và then chốt. Họ chỉ toàn làm một số công tác mang tính sự vụ đơn giản, căn bản không có tác dụng mang tính then chốt và quyết định đối với công tác tổng thể của hội thánh, và không đạt được kết quả thực tế. Những thứ mà họ thông công về cơ bản chỉ là một số chủ đề tầm thường và nhàm tai, đều là một số câu chữ và đạo lý thường nói, đặc biệt trống rỗng và chung chung, không có chi tiết, đều là những thứ con người có thể hiểu được khi đọc câu chữ nghĩa đen. Họ hoàn toàn không thể giải quyết những vấn đề thực tế liên quan đến lối vào sự sống của dân được Đức Chúa Trời chọn. Nhất là đối với quan niệm, tưởng tượng của con người và những tâm tính bại hoại mà con người bộc lộ ra, lãnh đạo giả càng không thể giải quyết được. Chủ yếu nhất là đối với công tác trọng điểm do nhà Đức Chúa Trời sắp xếp, chẳng hạn như công tác phúc âm, công tác quay phim, công tác văn tự, họ căn bản là không đảm đương nổi. Nhất là những công tác liên quan đến tri thức nghiệp vụ, họ biết rõ bản thân là tay ngang mà cũng không học tập, không tra cứu tư liệu, càng không biết chỉ đạo cụ thể, không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào cả. Đã thế, họ còn mặt dày vô sỉ mà tổ chức nhóm họp cho mọi người, giảng câu chữ và đạo lý một cách ba hoa khoác lác. Biết rõ mình không làm được những công tác đó, nhưng lãnh đạo giả vẫn ở đó mà giả vờ làm người trong ngành, tự cho mình là đúng, toàn giảng những đạo lý cao vời để giáo huấn người ta. Cho dù là bất kỳ ai nêu lên vấn đề, họ cũng không thể giải đáp, còn mượn lý do và cớ này cớ nọ để giáo huấn người ta, hỏi người ta tại sao lại không học tập nghiệp vụ, tại sao không tìm kiếm lẽ thật, tại sao có vấn đề mà bản thân không biết giải quyết. Một lãnh đạo giả tay ngang như vậy không giải quyết được vấn đề gì, còn đứng từ trên cao mà giáo huấn người ta. Bề ngoài họ khiến người ta tưởng rằng mình rất bận rộn, có vẻ như họ có thể làm được nhiều công tác, có bản lĩnh dữ lắm, nhưng thật ra thì họ chẳng là gì cả. Rõ ràng là lãnh đạo giả không làm được công tác thực tế, thế mà họ lại bận rộn một cách hăng hái lắm, tham gia nhóm họp cả ngày và giảng những thứ tầm thường, nhàm tai kia, giảng đi giảng lại, không giải quyết được chút vấn đề thực tế nào, do đó họ khiến người ta đặc biệt chán ghét, khiến người ta không đạt được chút gây dựng nào. Họ công tác như vậy thì hiệu suất quá thấp, chẳng có kết quả gì cả. Lãnh đạo giả làm công tác như vậy đấy, công tác của hội thánh cũng cứ thế mà bị trễ nải, nhưng lãnh đạo giả vẫn cảm thấy bản thân đã làm công tác lớn lắm và có bản lĩnh lắm. Thật ra thì họ chẳng làm tốt công tác thuộc khía cạnh nào trong công tác của hội thánh cả. Họ không hề biết lãnh đạo và người làm công thuộc phạm vi phụ trách của mình có đạt tiêu chuẩn không, cũng không biết các nhóm trưởng và người phụ trách của các nhóm có thể đảm đương công tác hay không, và họ không quan tâm hay hỏi han xem anh chị em có xảy ra vấn đề gì trong quá trình làm bổn phận hay không. Tóm lại, khi làm công tác, lãnh đạo giả không giải quyết được vấn đề gì cả, nhưng họ vẫn bận rộn một cách rất hăng hái. Trong mắt người khác, họ có thể chịu khổ và cũng có thể trả giá, ngày ngày bận rộn, đến giờ ăn lúc nào cũng phải có người gọi họ, buổi tối họ cũng nghỉ ngơi rất trễ, chỉ là kết quả công tác của họ chẳng ra làm sao cả mà thôi. … Hậu quả rõ ràng nhất sau một thời gian làm công tác của lãnh đạo giả chính là đa số mọi người đều không thể hiểu được lẽ thật, cho dù là ai bộc lộ sự bại hoại hay nảy sinh quan niệm thì mọi người đều không biết phân định, càng không hiểu nguyên tắc lẽ thật cần tuân thủ khi làm bổn phận là gì. Cho dù là người làm bổn phận hay không làm bổn phận, ai nấy đều uể oải, tự do buông lỏng, rời rạc như gió thổi cát bay vậy. Tuy rằng đa số mọi người đều có thể nói một số câu chữ và đạo lý, nhưng khi làm bổn phận, họ chỉ biết tuân thủ quy định, chứ không biết tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề. Vì chính bản thân lãnh đạo giả không biết tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề, nên họ làm sao có thể dẫn dắt người khác tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề chứ? Bất luận là gặp phải chuyện gì, lãnh đạo giả cũng chỉ biết khuyên nhủ người ta rằng: ‘Phải quan tâm đến tâm ý của Đức Chúa Trời!’, ‘Làm bổn phận thì phải có lòng trung thành!’, ‘Gặp chuyện thì phải học cách cầu nguyện, phải tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật!’. Lãnh đạo giả thường hô hào những khẩu hiệu và đạo lý này, chẳng đem lại kết quả gì cả. Người ta nghe xong thì cũng không hiểu được nguyên tắc lẽ thật là gì, không có con đường thực hành” (Chức trách của lãnh đạo và người làm công (3), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công). Hành vi của Vương Ngọc đúng như lời Đức Chúa Trời vạch rõ. Chị ấy chỉ tập trung vào việc tỏ ra bận rộn, làm cho có lệ, theo hình thức, chỉ tập trung hô hào khẩu hiệu, nói câu chữ và đạo lý khi thực hiện bổn phận. Chị ấy không hòa nhập với các anh chị em, không tìm hiểu tình trạng và khó khăn thực tế của họ, và cũng chẳng tìm kiếm lẽ thật để giải quyết những vấn đề này. Chị ấy giống như một viên chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành mệnh lệnh từ trên cao mà không thực sự hiểu được tình hình của người dân. Rõ ràng chị ấy là lãnh đạo giả không làm được công tác thực tế. Sau đó, các lãnh đạo tổ chức nhóm họp để phân định hành động của Vương Ngọc theo lời Đức Chúa Trời. Lúc đó, mọi người mới hiểu rõ hơn về các nguyên tắc để phân định lãnh đạo giả. Họ nhận ra rằng tiêu chí để xác định một lãnh đạo có thực hiện công tác thực tế hay không không phải là bề ngoài trông họ bận rộn thế nào hay họ hô hào khẩu hiệu mạnh mẽ đến đâu, mà là họ có thể giải quyết các vấn đề thực tế và đạt được kết quả thực sự trong công tác hay không. Cuối cùng, mọi người đều nhất trí cách chức Vương Ngọc. Thấy kết quả như vậy, tôi cảm thấy rất phấn khích, nhưng cũng hối hận vì đã không trình báo vấn đề của chị ấy sớm hơn. Nếu tôi trình báo sớm hơn thì đã có thể tránh được tổn thất cho công tác của hội thánh rồi.
Thông qua trải nghiệm này, tôi đã học được cách phân định lãnh đạo giả và có thêm chút hiểu biết về tâm tính bại hoại của mình. Tôi đã thấy mình rất ích kỷ và giả dối như thế nào, lúc nào cũng chỉ bảo vệ bản thân, thậm chí hy sinh lợi ích của hội thánh để bảo vệ tư lợi vào những thời điểm quan trọng. Nếu tâm tính Sa-tan này của tôi không được giải quyết, chắc chắn tôi sẽ bị Đức Chúa Trời ghét bỏ và đào thải. Tôi cũng đã sửa được một quan điểm sai lầm. Trước đây, tôi không dám trình báo những điều mà mình không thể nhận thức rõ ràng, sợ rằng quan điểm của mình hơi phiến diện và sẽ phải chịu trách nhiệm nếu trình báo sai, như thể tôi cần phải chắc chắn 100% và không được sai sót trước khi có thể trình báo bất cứ điều gì với lãnh đạo cấp trên. Tuy nhiên, khi thực hành như vậy, ta không thể phát hiện và xử lý kịp thời những lãnh đạo giả, kẻ địch lại Đấng Christ, kẻ ác và kẻ chẳng tin, đến lúc họ gây ra tổn thất đáng kể cho công tác của hội thánh hoặc phạm phải đủ mọi tội ác và gây ra phẫn nộ trên diện rộng thì đã quá muộn để cách chức hay thanh trừ họ, và thiệt hại cũng đã xảy ra. Tôi thấy mối lo ngại trước đây của mình rằng “Nếu mình không thể nhìn thấu điều gì đó, việc tố cáo sai sẽ gây gián đoạn và nhiễu loạn”, thật là nực cười. Đó cũng là một triết lý xử thế xảo quyệt của Sa-tan, không phù hợp với nguyên tắc lẽ thật. Thông qua trải nghiệm này, tôi thực sự cảm thấy rằng nhà Đức Chúa Trời được cai trị bởi lẽ thật và sự công chính, lãnh đạo giả và kẻ địch lại Đấng Christ không thể đứng trong nhà Đức Chúa Trời, nhà Đức Chúa Trời đặc biệt ủng hộ và bảo vệ những hành động chính nghĩa là phơi bày và tố cáo lãnh đạo giả. Chỉ những người thực hành lẽ thật và bảo vệ lợi ích của hội thánh mới hợp tâm ý của Đức Chúa Trời.