8. Cách giải quyết vấn đề tính vô lại của con người

Lời Đức Chúa Trời Toàn Năng trong thời kỳ sau rốt

Tiếp cận mọi thứ một cách quá khinh mạn và vô trách nhiệm là một điều trong tâm tính bại hoại: đó là tính vô lại mà người ta thường nói đến. Họ làm gì cũng “đại khái” và “tàm tạm là được rồi”; làm gì cũng có thái độ “có thể”, “có lẽ” và “chín phần mười”; làm việc thì qua loa, được chăng hay chớ, chỉ cần làm bừa cho qua chuyện là được; họ thấy không cần phải nghiêm túc, cũng không cần phải kỹ lưỡng, càng không cần tìm kiếm nguyên tắc lẽ thật. Đây chẳng phải là thứ trong tâm tính bại hoại sao? Đó có phải là biểu hiện của nhân tính bình thường không? Không phải. Gọi nó là kiêu ngạo cũng đúng, gọi nó là phóng đãng cũng hoàn toàn thích hợp – nhưng dùng từ “vô lại” cho nó là khớp nhất. Hầu hết mọi người đều có tính vô lại trong mình, chỉ là mức độ nặng nhẹ khác nhau. Làm chuyện gì, họ cũng muốn qua loa chiếu lệ, và luôn luôn có chút tính chất lừa dối. Lừa được là họ lừa, bớt việc được là họ bớt việc, bòn rút thời gian được là họ bòn rút thời gian. Họ cảm thấy: “Miễn là không bị lộ, không gây ra chuyện gì, không phải gánh trách nhiệm, thì mình cứ thế này mà qua chuyện, đâu cần phải làm quá tốt, như thế thì quá phiền phức”. Dạng người này học gì cũng không học cho tinh thông, học gì cũng không để tâm và không muốn chịu khổ hay trả giá. Họ muốn học sơ qua một chút rồi xem như mình là người trong ngành, cho rằng mình đã học xong, sau đó dựa vào điều này để cho qua chuyện. Đây chẳng phải là một thái độ của người ta đối với mọi con người, sự việc và sự vật sao? Thái độ như vậy có tốt không? Không tốt. Lấy một từ để mô tả, thì đó là “làm qua loa”. Nhân loại bại hoại, ai cũng có tính vô lại đó. Những người có tính vô lại trong nhân tính thì làm gì cũng mang thái độ và quan điểm “làm qua loa”. Những người như vậy có thể làm tốt bổn phận không? Không thể. Họ có thể đạt đến làm việc có nguyên tắc không? Càng không thể.

– Mục 8. Họ khiến người khác chỉ thuận phục họ, chứ không thuận phục lẽ thật hay Đức Chúa Trời (Phần 2), Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ

Từ “vô lại” chứa đựng nhiều ý nghĩa – đê tiện, bỉ ổi, bẩn thỉu, ích kỷ, vô đạo đức, cư xử không có khuôn phép, không quang minh chính đại, mà thay vào đó hành động lén lút và toàn làm những việc không đúng đắn. Đó là những hành vi và biểu hiện khác nhau của kẻ vô lại. Chẳng hạn như người bình thường mà muốn làm việc gì đó, chỉ cần nó là việc chính đáng thì họ sẽ làm một cách đĩnh đạc, còn nếu nó vi phạm pháp luật thì họ sẽ từ bỏ, không làm. Kẻ vô lại thì không như thế; họ sẽ không từ thủ đoạn để đạt được mục đích và có những chiến lược để đối phó với hạn chế của pháp luật. Họ lách luật và tìm trăm phương ngàn kế để đạt được mục đích, bất kể làm vậy có hợp luân thường đạo lý, đạo đức hoặc nhân tính hay không, bất kể hậu quả là gì. Họ không hề quan tâm, mà chỉ tìm cách đạt được mục đích, không từ thủ đoạn. Đây là “vô lại”. Kẻ vô lại có bất kỳ nhân cách hay tôn nghiêm nào không? (Thưa, không.) Họ là người cao quý hay thấp hèn? (Thưa, thấp hèn.) Họ thấp hèn như thế nào? (Thưa, cách hành xử của họ không có ranh giới đạo đức nào cả.) Đúng vậy, dạng người này không có ranh giới hay nguyên tắc nào trong cách làm người; họ không suy xét hậu quả, muốn gì làm nấy. Họ không quan tâm đến pháp luật, đến đạo đức, đến việc liệu lương tâm họ có chấp thuận hành động của họ hay không, hoặc liệu có ai chê trách, phán xét hoặc lên án họ hay không. Họ bàng quan với tất cả những điều này, và không bận tâm, miễn sao mình có lợi và hưởng thụ là được. Cách làm của họ thì bỉ ổi, tư tưởng thì đê hèn, và cả hai đều đáng xấu hổ. Đây chính là vô lại. … Vậy rốt cuộc tính vô lại là nói đến điều gì? Các triệu chứng và biểu hiện chủ yếu của nó là gì? Hãy xem Ta khái quát có chuẩn xác không nhé. Người có tính vô lại thì tương đương với thứ gì? Họ tương đương với thú hoang chưa được thuần chủng, không có giáo dưỡng. Và những biểu hiện chủ yếu của điều này là kiêu ngạo, lỗ mãng, không có sự ràng buộc, làm xằng làm bậy, không tiếp nhận một chút lẽ thật nào, cũng như muốn làm gì thì làm, ai nói cũng không nghe, ai quản lý cũng không được, ai cũng dám chống lại, và không xem ai ra gì. Nói Ta nghe, những biểu hiện khác nhau của sự vô lại có nghiêm trọng không? (Thưa, có.) Ít nhất thì tâm tính kiêu ngạo, không có lý trí và làm xằng làm bậy này rất nghiêm trọng. Cho dù bề ngoài, người như thế này có vẻ không làm những chuyện xét đoán hoặc chống đối Đức Chúa Trời, nhưng do tâm tính kiêu ngạo, nên họ cực dễ hành ác và chống đối Ngài. Mọi hành động của họ đều là sự bộc lộ của những tâm tính bại hoại. Khi trở nên vô lại đến một mức độ nhất định, người ta sẽ trở thành thổ phỉ, ma quỷ, và thổ phỉ, ma quỷ thì sẽ không bao giờ tiếp nhận lẽ thật – chúng chỉ có thể bị hủy diệt.

– Mục 4. Họ đề cao và làm chứng cho bản thân, Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ

Làm sao để phân biệt con người cao quý hay thấp hèn? Hãy xem thái độ và cách làm của một người đối với bổn phận, xem khi xảy ra chuyện họ đối đãi như thế nào, biểu hiện ra sao. Người có nhân cách và tôn nghiêm thì làm việc tỉ mỉ, nghiêm túc, chăm chỉ, chịu trả giá. Người không có nhân cách và tôn nghiêm thì làm việc qua loa, chiếu lệ, luôn muốn lừa gạt, luôn muốn ứng phó cho xong việc, bất luận học kỹ thuật gì cũng không chăm chỉ, học không được. Cho dù có học bao lâu thì họ vẫn hoàn toàn không biết gì, đây chính là người nhân cách đê tiện. Đa số mọi người khi làm bổn phận thì đều qua loa chiếu lệ, đây là tâm tính gì? (Thưa, là tính vô lại.) Người có tính vô lại thì tiếp cận với bổn phận thế nào? Chắc chắn khi tiếp cận bổn phận, họ không có thái độ đúng đắn mà toàn là qua loa chiếu lệ, như vậy là không có nhân tính bình thường rồi. Người có tính vô lại nghiêm trọng thì không khác gì động vật. Cũng như trong nhà nuôi một con chó làm thú cưng, ngươi không để mắt đến nó là nó sẽ cắn phá loạn xạ đồ đạc và đồ dùng trong nhà, như vậy thì sẽ có tổn thất. Chó là động vật, nó không biết trân trọng đồ vật, ngươi không thể cãi cọ với nó, mà phải quản lý nó. Ngươi mà không biết quản lý, để cho động vật bừa phứa làm càn, quấy rối cuộc sống của ngươi, thì chứng tỏ trong nhân tính của ngươi khiếm khuyết gì đó, và ngươi không khác động vật là mấy, chỉ số thông minh không đủ và người như ngươi là đồ vô dụng. Vậy làm sao mới có thể quản lý nó cho tốt? Ngươi phải nghĩ biện pháp để hạn chế nó trong một phạm vi nhất định, hoặc nhốt nó trong chuồng, mỗi ngày cho ra ngoài vài ba lần vào thời gian cố định để cho nó được chạy nhảy đầy đủ. Làm như vậy sẽ có thể hạn chế nó cắn đồ bừa bãi, đồng thời thân thể của nó cũng được rèn luyện, bảo đảm sẽ khỏe mạnh. Như vậy thì con chó được quản lý tốt, môi trường của ngươi cũng được bảo vệ. Nếu một người gặp phải sự việc, sự vật như vậy mà không biết quản lý, không có thái độ đúng đắn, thì trong nhân tính của người này thiếu mất gì đó rồi và không vươn tới được tiêu chuẩn của nhân tính bình thường.

– Mục 8. Họ khiến người khác chỉ thuận phục họ, chứ không thuận phục lẽ thật hay Đức Chúa Trời (Phần 2), Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ

Người phóng đãng và không chịu sự ràng buộc khi nói chuyện thì dùng từ giống như thổ phỉ và lưu manh ngoại đạo; họ đặc biệt thích bắt chước cách nói và phong cách của các ngôi sao và nhân vật phản diện trong xã hội, hầu hết lời nói của họ đều có tính vô lại, khiến người ta cảm thấy giống như lời nói của lưu manh, côn đồ. Ví dụ, một người ngoại đạo đến, sau khi gõ cửa thì thốt ra vài lời kỳ quái, anh chị em nghe thấy liền bảo: “Có gì đó không đúng; tại sao người này có vẻ giống do thám hay đặc vụ vậy?”. Mặc dù lúc đó họ không thể chắc chắn, nhưng hầu hết mọi người đều cảm thấy bất an trong lòng. Tuy nhiên, người phóng đãng và không chịu sự ràng buộc lại nói một cách rất hùng hồn, còn có cả khí thế, rằng: “Do thám hả? Chẳng sợ! Tại sao phải sợ? Nếu sợ thì anh không cần ra ngoài. Để tôi đi xem có chuyện gì”. Hãy xem họ can đảm và có khí phách làm sao. Các ngươi có nói như vậy không? (Thưa, không. Đây không phải là lời của người bình thường, mà giống lời của thổ phỉ.) Thổ phỉ nói khác với người bình thường; họ đặc biệt ngang ngược. Người thuộc loại nào thì học ngôn ngữ thuộc loại đó; người trong xã hội chuyên môn sử dụng ngôn ngữ thịnh hành trong xã hội, kẻ thổ phỉ và lưu manh thì thích nói tiếng lóng của họ, kẻ chẳng tin thì giống như người ngoại đạo, toàn nói lời mà người ngoại đạo nói. Những người tốt, đàng hoàng và đứng đắn mà nghe lời nói của người ngoại đạo thì cảm thấy ghê tởm và chán ghét; chẳng ai cố gắng học theo loại lời nói đó. Một số kẻ chẳng tin, ngay cả khi đã tin Đức Chúa Trời mười hoặc hai mươi năm, vẫn nói lời lẽ của người ngoại đạo, họ chuyên môn tìm những lời như vậy mà nói, thậm chí khi nói còn bắt chước cử chỉ, ánh mắt, thần thái cũng như điệu bộ của người ngoại đạo. Liệu những người như vậy có thể khiến anh chị em trong hội thánh vừa mắt không? (Thưa, không.) Hầu hết anh chị em đều không thấy vừa mắt và trong lòng không thoải mái khi nhìn thấy họ. Các ngươi nói xem, Đức Chúa Trời cảm thấy như thế nào về họ? (Thưa, thấy chán ghét.) Câu trả lời rất rõ ràng: chán ghét. Xét từ cách họ sống thể hiện ra, điều họ mưu cầu, cũng như những con người, sự việc và sự vật mà họ sùng bái trong lòng, thì nhân tính của họ không đàng hoàng, đứng đắn, còn lâu mới đạt đến sự sùng kính và phù hợp với thể thống thánh đồ. Rất hiếm khi nghe từ miệng họ những lời mà người tin Đức Chúa Trời hoặc các thánh đồ nên nói, những lời đem lại sự xây dựng cho người khác cũng như những lời có nhân cách và tôn nghiêm; rất khó để nghe được những lời này. Bởi vì những gì họ sùng bái, khao khát, và mưu cầu trong lòng căn bản chẳng ăn nhập gì với những gì các thánh đồ nên mưu cầu và khao khát, cho nên rất khó để ràng buộc những gì họ sống thể hiện ra bên ngoài, cũng như lời lẽ và cử chỉ bên ngoài của họ. Nếu yêu cầu họ chịu sự ràng buộc, không phóng đãng hay phóng túng, cũng như trở nên đàng hoàng và đứng đắn thì họ sẽ rất khó đạt đến. Chưa nói đến việc sống như một người có nhân tính và lý trí, hiểu lẽ thật và bước vào thực tế lẽ thật, ngay cả bảo họ làm một người bình thường, phù hợp với thể thống thánh đồ, có nhân cách và tôn nghiêm, biết khuôn phép và bề ngoài có vẻ có lý tính, thì họ cũng không đạt đến được. Trước đây, có một người về nông thôn để rao truyền phúc âm. Khi thấy một số anh chị em có điều kiện gia đình nghèo khó và sống trong những ngôi nhà tồi tàn, anh ta đã mỉa mai và chế giễu rằng: “Ngôi nhà này đổ nát như vậy rồi, không thích hợp cho người ở; làm chuồng lợn thì còn được. Mau dọn ra ngoài thôi!”. Người ta đáp lại: “Dọn ra thì dễ, nhưng ai sẽ cho chúng tôi ngôi nhà khác để ở?”. Anh ta nói mà không nghĩ đến hậu quả, chỉ theo ý mình, nghĩ gì nói nấy mà không cân nhắc xem nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến người khác. Đây chính là tính vô lại. Khi người ta nói: “Khi chúng tôi dọn ra, ai sẽ cho chúng tôi ngôi nhà để ở? Anh có nhà không?”, thì anh ta không nói được gì cả. Khi thấy người ta gặp khó khăn, ngươi phải có thể giải quyết được khó khăn của họ thì mới nói chứ. Ngươi không giải quyết được khó khăn của người ta, lại còn nói năng bừa bãi, vậy sẽ dẫn đến hậu quả gì? Đây là vấn đề nói năng thẳng thắn và bộc trực quá mức sao? Hoàn toàn không phải. Đây là tính vô lại quá nghiêm trọng; phóng đãng và không chịu sự ràng buộc. Loại người này hoàn toàn không hiểu cái gì là nhân cách, tôn nghiêm, sự cảm thông, bao dung, bảo vệ, tôn trọng, thấu hiểu, đồng cảm, thương xót, quan tâm, giúp đỡ, v.v.. Những thứ thiết yếu trong nhân tính bình thường này là những gì con người đều nên có. Họ chẳng những không có những điều này, mà khi tiếp xúc người khác, khi thấy người gặp khó khăn, họ còn có thể cười nhạo, chế giễu, châm biếm, và chê cười. Họ không những không thể thông hiểu hoặc giúp đỡ người khác, mà còn có thể mang lại nỗi buồn đau, bất lực, đau khổ, và thậm chí là phiền phức cho người khác. Đối với những người có tính vô lại nghiêm trọng như vậy, hầu hết mọi người đều thấy rõ ràng, còn phải chịu đựng họ hết lần này đến lần khác. Các ngươi nói xem, những người như vậy có thể thực sự hối cải không? Ta thấy là không dễ đâu. Xét từ thực chất bản tính của họ, họ không phải là người yêu mến lẽ thật, vậy làm sao họ có thể tiếp nhận sự tỉa sửa và sửa dạy đây? Khi mô tả loại người này, người ngoại đạo có những từ ngữ như “việc ta ta làm” hoặc “đường ta ta đi, ai nói mặc kệ” – đây là loại logic vô lý gì vậy? Những cái được gọi là danh ngôn và thành ngữ này thường được coi là những điều tích cực trong xã hội này, như vậy là có chút bóp méo sự thật và đảo ngược trắng đen.

– Chức trách của lãnh đạo và người làm công (25), Lời, Quyển 5 – Chức trách của lãnh đạo và người làm công

Nhiều người luôn thực hiện bổn phận của mình một cách qua loa chiếu lệ, không bao giờ tìm tòi nghiêm túc, như thể họ đang làm thuê cho những người ngoại đạo. Họ làm việc một cách cẩu thả, hời hợt, qua loa, không quan tâm đến bất cứ việc gì, tuỳ tiện, cứ như một trò đùa. Tại sao lại thế này? Đây chính là việc đem sức lực phục vụ của người ngoại đạo, chính là cách mà kẻ chẳng tin thực hiện bổn phận. Những kẻ này đều quen thói lưu manh, phóng đãng không chịu đi vào khuôn khổ, không khác gì những người ngoại đạo. Khi kẻ đó làm việc cho bản thân, chắc chắn không qua loa chiếu lệ. Vậy thì tại sao lại không hề nghiêm túc, không hề để tâm khi thực hiện bổn phận? Dù kẻ đó làm gì, thực hiện bổn phận gì đều có chút tính chất cợt nhả, có chút tính chất phá phách bốc đồng, luôn qua loa chiếu lệ, mang theo một chút gian dối. Những người như thế có nhân tính không? Chắc chắn không có nhân tính, hoàn toàn không có chút lương tâm, lý trí nào, không khác gì lừa hoang, ngựa hoang, không thể không có người canh chừng. Kẻ đó qua mặt, lừa gạt nhà Đức Chúa Trời như thế thì có chút niềm tin chân thành nào vào Đức Chúa Trời không? Như thế là đang dâng mình cho Đức Chúa Trời ư? Chắc chắn là không chạm tới, còn không có tư cách để đem sức lực phục vụ. Nếu những người như thế làm thuê cho người khác, chưa làm được mấy ngày đã bị đuổi, bị sa thải. Trong nhà Đức Chúa Trời, có thể gọi đó chính là người đem sức lực phục vụ, chính là người làm thuê, không khác một chút nào, chỉ có thể bị đào thải. Nhiều người quá qua loa chiếu lệ khi thực hiện bổn phận của mình. Đến lúc bị tỉa sửa vẫn không chịu chấp nhận lẽ thật, ngoan cố cãi lý, thậm chí còn oán trách rằng nhà Đức Chúa Trời không công bằng với mình, không thương xót, không khoan dung cho mình. Điều này có vô lý hay không? Nói khách quan một chút, đây là tâm tính kiêu căng, không hề có chút lương tâm, lý trí nào. Những người thực sự tin vào Đức Chúa Trời ít nhất phải có thể chấp nhận lẽ thật, không làm việc trái với lương tâm, lý trí. Nếu như gặp phải việc bị tỉa sửa vẫn không thể chấp nhận, thuận phục thì những người như thế đúng là quá kiêu ngạo, tự cho mình là đúng, quả thật là quá vô lý. Gọi là súc sinh cũng không có gì là quá đáng. Vì kẻ đó làm gì cũng hoàn toàn dửng dưng, muốn làm như thế nào thì làm, cũng không quan tâm hậu quả ra sao, có vấn đề xảy ra cũng thờ ơ. Những người như thế còn chẳng có tư cách để đem sức lực phục vụ. Kẻ đó đối xử với bổn phận của mình như thế đến con người còn không chịu nổi. Con người còn không yên tâm thì có thể làm cho Đức Chúa Trời yên tâm được không? Tiêu chuẩn tối thiểu này mà còn không đạt được, tức là không đủ điều kiện để đem sức lực phục vụ, chỉ có thể bị đào thải.

– Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Những điều liên quan đến nhân tính, là thái độ, tư tưởng và quan điểm mà mọi người bộc lộ khi đối xử với con người, sự việc và sự vật, chúng cho thấy rất rõ vấn đề. Chúng cho thấy vấn đề gì? Chúng khiến người ta có thể thấy được phẩm chất nhân tính của một người, thấy người này có phải là người đoan trang đứng đắn hay không. Đoan trang đứng đắn là gì? Truyền thống có phải là đoan trang đứng đắn không? Văn minh lịch sự có phải là đoan trang đứng đắn không? (Thưa, không phải.) Giữ khư khư nếp cũ có phải là đoan trang đứng đắn không? (Thưa, không phải.) Đều không phải. Vậy đoan trang đứng đắn là gì? Nếu là người đoan trang đứng đắn thì dù làm gì, họ cũng có dạng tâm thái này: “Cho dù tôi có thích làm việc này hay không, cũng như nó là thứ tôi hứng thú hay là thứ mà tôi không hứng thú lắm – nhưng vì nó được giao cho tôi làm, thì tôi sẽ làm tốt. Tôi sẽ học cách làm việc này từ con số không, sẽ làm từng bước một tới nơi tới chốn. Cuối cùng, bất kể thực hiện đến mức nào, tôi cũng đã làm một cách tận tâm”. Chí ít, ngươi phải có tâm thái và thái độ này – tới nơi tới chốn. Nếu, kể từ thời điểm nhận việc gì đó, ngươi thực hiện nó một cách hồ đồ và không thèm để tâm, không nghiêm túc với nó, cũng không tra tư liệu, không nghiêm túc chuẩn bị, không tìm kiếm hay hỏi ý kiến ai, càng không bỏ ra nhiều thời gian mà học tập, đạt đến không ngừng hoàn thiện và có thể nắm vững kỹ thuật hoặc nghiệp vụ của ngành này, thay vào đó lại dùng thái độ khinh mạn và sống bừa qua ngày để tiếp cận nó, thì như vậy chính là có vấn đề về nhân tính. Chẳng phải đây là làm qua loa sao? Có một vài người nói: “Tôi không thích khi anh giao cho tôi loại bổn phận này”. Nếu ngươi không thích nó thì đừng tiếp nhận, còn nếu ngươi tiếp nhận rồi thì nên có thái độ nghiêm túc gánh vác, ngươi nên có dạng thái độ này. Đây chẳng phải là điều mà nhân tính bình thường nên có sao? Như vậy gọi là đoan trang đứng đắn. Trong phương diện nhân tính này, ít nhất ngươi cần sự lưu tâm, sự nghiêm túc và sẵn sàng trả giá, cũng cần có thái độ làm tới nơi tới chốn và nghiêm túc gánh vác. Có những thứ này là đủ.

– Mục 8. Họ khiến người khác chỉ thuận phục họ, chứ không thuận phục lẽ thật hay Đức Chúa Trời (Phần 2), Lời, Quyển 4 – Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ

Trước:  7. Cách giải quyết vấn đề tùy hứng và không chịu sự ràng buộc

Tiếp theo:  9. Cách giải quyết vấn đề thường xuyên tiêu cực

Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời Về việc biết Đức Chúa Trời Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ Chức trách của lãnh đạo và người làm công Về việc mưu cầu lẽ thật Về việc mưu cầu lẽ thật Sự phán xét khởi từ nhà Đức Chúa Trời Những lời trọng yếu từ Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Lời Đức Chúa Trời Hằng Ngày Các thực tế lẽ thật mà người tin Đức Chúa Trời phải bước vào Theo Chiên Con Và Hát Những Bài Ca Mới Những chỉ dẫn cho việc truyền bá Phúc Âm của vương quốc Chiên của Đức Chúa Trời nghe tiếng của Đức Chúa Trời Lắng nghe tiếng Đức Chúa Trời thấy được sự xuất hiện của Đức Chúa Trời Những câu hỏi và câu trả lời thiết yếu về Phúc Âm của Vương quốc Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 1) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 2) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 3) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 4) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 5) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 6) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 7) Tôi Đã Quay Về Với Đức Chúa Trời Toàn Năng Như Thế Nào

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Connect with us on Messenger