20. Cách giải quyết vấn đề kiêu ngạo, tự nên công chính và bám giữ bản thân
Lời Đức Chúa Trời Toàn Năng trong thời kỳ sau rốt
Kiêu ngạo và tự nên công chính là tâm tính Sa-tan dễ thấy nhất của con người, và nếu con người không tiếp nhận lẽ thật thì họ sẽ không có cách nào làm tinh sạch tâm tính này. Tất cả mọi người, ai cũng có tâm tính kiêu ngạo, tự nên công chính và họ luôn tự phụ. Bất kể họ nghĩ gì, nói gì hay nhìn sự việc như thế nào, họ cũng luôn cho rằng những quan điểm và thái độ của riêng họ là đúng, cho rằng những lời người khác nói đều không hay hoặc không đúng bằng lời họ nói. Họ luôn bám vào những quan điểm của riêng mình, ai nói gì cũng không nghe. Ngay cả khi những gì người khác nói là đúng hay phù hợp với lẽ thật thì họ cũng sẽ không tiếp nhận; họ chỉ ra vẻ lắng nghe chứ không thực sự chấp nhận ý kiến, và khi đến lúc phải hành động, họ vẫn làm việc theo cách của riêng mình, luôn cho rằng những gì mình nói là đúng và có lý. Có thể những gì ngươi nói quả thực đúng và có lý, hoặc những gì ngươi đã làm là đúng và hoàn hảo, nhưng ngươi đã phơi bày loại tâm tính gì đây? Đó chẳng phải là sự kiêu ngạo và tự nên công chính sao? Nếu ngươi không vứt bỏ tâm tính kiêu ngạo và tự nên công chính này thì chẳng phải tâm tính này sẽ ảnh hưởng đến việc ngươi thực hiện bổn phận sao? Chẳng phải tâm tính này sẽ ảnh hưởng đến việc ngươi thực hành lẽ thật sao? Nếu ngươi không giải quyết được tâm tính kiêu ngạo và tự nên công chính của mình thì chẳng phải nó sẽ gây ra cho ngươi những thất bại nghiêm trọng trong tương lai sao? Ngươi chắc chắn sẽ thất bại, điều đó là không thể tránh khỏi được. Nói Ta nghe, Đức Chúa Trời có thể nhìn thấy hành vi như vậy của con người không? Đức Chúa Trời dư khả năng nhìn thấy! Đức Chúa Trời không chỉ dò xét sâu thẳm lòng người mà Ngài còn quan sát từng lời nói và việc làm của họ mọi lúc mọi nơi. Đức Chúa Trời sẽ phán gì khi Ngài nhìn thấy hành vi này của ngươi? Đức Chúa Trời sẽ phán: “Ngươi thật cương ngạnh! Ngươi có thể bám vào ý kiến của mình khi không biết mình sai – điều này có thể hiểu được, nhưng khi ngươi biết rõ là mình sai mà vẫn bám vào ý kiến của mình, thà chết chứ không hối lỗi, thì ngươi chỉ là một kẻ ngu ngốc cứng đầu, và ngươi đang gặp rắc rối. Nếu bất kể ai đưa ra đề nghị, ngươi cũng luôn dùng thái độ tiêu cực, chống đối và không tiếp nhận dù chỉ một chút lẽ thật, nếu trong lòng ngươi hoàn toàn kháng cự, khép kín, và bác bỏ, thì ngươi thật lố bịch, ngươi là một kẻ vô lý! Ngươi quá khó để giải quyết!”. Ngươi khó để giải quyết ở điểm nào? Ngươi khó để giải quyết vì những gì ngươi thể hiện ra không phải là một cách tiếp cận sai lầm, hay một hành vi sai lầm, mà là sự bộc lộ của tâm tính. Sự bộc lộ của tâm tính gì? Tâm tính chán ghét lẽ thật và thù hận lẽ thật. Một khi ngươi đã được xác định là người căm ghét lẽ thật thì trong mắt Đức Chúa Trời, ngươi đang gặp rắc rối, và Ngài sẽ ghét bỏ, phớt lờ ngươi. Từ góc nhìn của con người thì cùng lắm họ sẽ nói là: “Tâm tính của người này xấu thật, người này cực kỳ cố chấp, cương ngạnh và kiêu ngạo! Người này khó gần và không yêu lẽ thật. Người này chưa bao giờ tiếp nhận lẽ thật và không đưa lẽ thật vào thực hành”. Cùng lắm, mọi người sẽ cho ngươi đánh giá như thế, nhưng liệu đánh giá như thế có thể quyết định số phận của ngươi không? Đánh giá người ta đưa ra cho ngươi không thể quyết định số phận của ngươi, nhưng có một điều mà ngươi không được quên: Đức Chúa Trời dò xét lòng người và đồng thời Đức Chúa Trời cũng quan sát từng lời nói, việc làm của họ. Nếu Đức Chúa Trời định nghĩa ngươi như thế này và nói rằng ngươi thù hận lẽ thật, nếu Ngài không chỉ nói rằng ngươi có một chút tâm tính bại hoại, hay nói rằng ngươi hơi không thuận phục, thì chẳng phải đây là một vấn đề rất nghiêm trọng sao? (Thưa, nghiêm trọng.) Điều này nghĩa là rắc rối, và rắc rối này không nằm ở cách người ta nhìn nhận ngươi hay đánh giá ngươi, mà nằm ở cách Đức Chúa Trời nhìn nhận tâm tính bại hoại thù hận lẽ thật của ngươi. Vậy, Đức Chúa Trời nhìn nhận như thế nào? Có phải Đức Chúa Trời chỉ xác định rằng ngươi thù hận và không yêu lẽ thật, thế thôi? Có đơn giản như thế không? Lẽ thật đến từ đâu? Lẽ thật đại diện cho ai? (Thưa, đại diện cho Đức Chúa Trời.) Hãy suy ngẫm điều này: nếu một người thù hận lẽ thật thì từ góc nhìn của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ nhìn nhận họ như thế nào? (Thưa, xem họ là kẻ thù của Ngài.) Chẳng phải đây là vấn đề nghiêm trọng sao? Khi một người thù ghét lẽ thật thì họ thù ghét Đức Chúa Trời! Tại sao Ta phán rằng họ thù ghét Đức Chúa Trời? Họ đã chửi rủa Đức Chúa Trời ư? Họ đã chống đối Đức Chúa Trời trước mặt Ngài ư? Họ đã phán xét hay lên án Ngài sau lưng Ngài ư? Không nhất thiết như thế. Vậy tại sao Ta lại phán rằng bộc lộ tâm tính thù hận lẽ thật là thù hận Đức Chúa Trời? Đây không phải là chuyện bé xé ra to, mà là tình hình thực tế. Điều này cũng giống như những người Pha-ri-si giả hình đã đóng đinh Đức Chúa Jêsus vào thập giá vì họ thù hận lẽ thật – những hậu quả sau đó thật khủng khiếp. Như vậy có nghĩa là, nếu một người có tâm tính chán ghét lẽ thật và thù hận lẽ thật, thì tâm tính này có thể bộc lộ họ mọi lúc mọi nơi, và nếu họ sống theo tâm tính này thì chẳng phải họ sẽ chống đối Đức Chúa Trời sao? Khi họ đối diện với chuyện gì đó liên quan đến lẽ thật hoặc đưa ra một lựa chọn, nếu họ không thể tiếp nhận lẽ thật và họ sống theo tâm tính bại hoại của họ, thì tự nhiên họ sẽ chống đối Đức Chúa Trời và phản bội Ngài, bởi vì tâm tính bại hoại của họ là tâm tính thù hận Đức Chúa Trời và thù hận lẽ thật. Nếu ngươi có một tâm tính như vậy thì ngay cả đối với những lời Đức Chúa Trời phán, ngươi cũng sẽ chất vấn lời Ngài, muốn phân tích và mổ xẻ lời Ngài. Khi đó ngươi sẽ nghi ngờ lời Đức Chúa Trời và nói: “Chúng có thật sự là lời Đức Chúa Trời không? Với tôi chúng không giống lẽ thật, với tôi không nhất thiết tất cả chúng đều đúng!”. Bằng cách này, chẳng phải tâm tính thù hận lẽ thật của ngươi đã bộc lộ sao? Khi ngươi suy nghĩ theo cách như vậy, ngươi có thể thuận phục Đức Chúa Trời không? Ngươi chắc chắn không thể. Nếu ngươi không thể thuận phục Đức Chúa Trời thì Ngài có còn là Đức Chúa Trời của ngươi không? Ngài không còn là Đức Chúa Trời của ngươi. Khi đó, Đức Chúa Trời sẽ là gì đối với ngươi? Ngươi sẽ xem Ngài như một đối tượng nghiên cứu, một người bị nghi ngờ, một người bị lên án; ngươi sẽ xem Ngài như một người tầm thường, bình thường và lên án Ngài như vậy. Khi ngươi làm vậy, ngươi sẽ trở thành kẻ chống đối và báng bổ lại Đức Chúa Trời. Loại tâm tính gì gây ra chuyện này? Chuyện này là do một tâm tính kiêu ngạo đã trở nên bành trướng đến một mức độ nhất định gây ra; không chỉ tâm tính Sa-tan sẽ bộc lộ nơi ngươi, mà bộ mặt Sa-tan của ngươi cũng sẽ hoàn toàn bị bóc trần. Điều gì xảy ra với mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và một người đã đến giai đoạn chống đối Đức Chúa Trời, đồng thời cũng phản nghịch Đức Chúa Trời đến một mức độ nhất định? Nó trở thành mối quan hệ thù địch trong đó một người đặt Đức Chúa Trời ở phía đối lập với họ. Nếu như trong đức tin vào Đức Chúa Trời, ngươi không thể tiếp nhận và thuận phục lẽ thật, thì Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của ngươi. Nếu ngươi từ chối lẽ thật và loại bỏ lẽ thật thì ngươi đã trở thành kẻ chống đối Đức Chúa Trời. Vậy thì Đức Chúa Trời vẫn có thể cứu rỗi ngươi chứ? Ngài chắc chắn không thể.
– Chỉ khi thường xuyên sống trước mặt Đức Chúa Trời thì mới có thể có mối quan hệ bình thường với Ngài, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Sự kiêu ngạo là gốc rễ của tâm tính bại hoại ở con người. Con người càng kiêu ngạo thì họ càng không có lý trí, và họ càng không có lý trí thì càng có khả năng chống đối Đức Chúa Trời. Vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào? Không chỉ những người có tâm tính kiêu ngạo coi người khác bên dưới họ, mà tệ nhất là họ thậm chí còn ra vẻ kẻ cả với Đức Chúa Trời, và không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Mặc dù người ta có thể có vẻ tin Đức Chúa Trời và theo Ngài, nhưng họ không hề đối đãi với Ngài như là Đức Chúa Trời. Họ luôn cảm thấy rằng họ sở hữu lẽ thật và nghĩ mình vĩ đại. Đây là thực chất và gốc rễ của tâm tính kiêu ngạo, và nó đến từ Sa-tan. Do đó, vấn đề kiêu ngạo phải được giải quyết. Cảm thấy mình tốt hơn những người khác – là chuyện nhỏ. Vấn đề quan trọng là tâm tính kiêu ngạo của một người ngăn họ vâng phục Đức Chúa Trời, sự tể trị của Ngài và sự sắp đặt của Ngài; người như vậy luôn muốn cạnh tranh với Đức Chúa Trời để nắm quyền và kiểm soát những người khác. Loại người này không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời dù chỉ một chút, nói chi đến việc yêu kính Đức Chúa Trời hay vâng phục Ngài. Những người kiêu ngạo và tự phụ, đặc biệt là những ai kiêu ngạo đến mức mất hết cả lý trí, không thể vâng phục Đức Chúa Trời trong niềm tin của họ vào Ngài, và thậm chí còn đề cao và làm chứng cho chính mình. Những người như vậy chống đối Đức Chúa Trời nhiều nhất và tuyệt đối không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Nếu mọi người muốn đạt đến có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, thì trước tiên họ phải giải quyết tâm tính kiêu ngạo của mình. Ngươi càng giải quyết triệt để tâm tính kiêu ngạo của ngươi, thì ngươi sẽ càng kính sợ Đức Chúa Trời hơn, và chỉ khi đó ngươi mới có thể vâng phục Ngài và có được lẽ thật và biết Ngài. Chỉ những người đạt được lẽ thật mới là con người đích thực.
– Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Khi đang hợp tác với người khác để thực hiện bổn phận, các ngươi có thể cởi mở với những ý kiến bất đồng không? Các ngươi có thể để cho người khác lên tiếng không? (Thưa, có một chút. Trước đây, rất nhiều lần con không muốn lắng nghe các góp ý của anh chị em và cứ nhất quyết làm mọi việc theo ý mình. Chỉ sau này, khi sự thật tỏ lộ là con đã sai thì con mới thấy rằng hầu hết các góp ý của họ đều đúng, rằng kết quả mà mọi người thảo luận thực sự thích hợp, rằng quan điểm riêng của mình là sai và còn thiếu sót. Sau khi trải nghiệm điều này, con đã lĩnh hội được rằng sự phối hợp hài hòa rất quan trọng.) Và chúng ta có thể thấy được gì từ điều này? Sau khi trải nghiệm điều này, ngươi có thu được chút lợi ích và hiểu ra được lẽ thật không? Các ngươi nghĩ rằng có ai là hoàn hảo không? Cho dù mọi người có mạnh đến đâu, hoặc có khả năng và tài năng đến đâu, thì họ vẫn không hoàn hảo. Mọi người phải nhận ra điều này, đó là sự thật. Đó cũng là thái độ mà mọi người phải có đối với điểm mạnh và ưu điểm hoặc khuyết điểm của họ; đây là lý tính mà mọi người nên có. Với lý tính như thế, ngươi có thể đối xử phù hợp với các điểm mạnh và khuyết điểm của bản thân cũng như của người khác, và điều này sẽ khiến ngươi có thể làm việc với mọi người một cách hòa hợp. Nếu ngươi đã hiểu được khía cạnh này của lẽ thật và có thể bước vào phương diện này của thực tế lẽ thật, thì ngươi có thể sống hòa hợp với anh chị em mình, học hỏi những điểm mạnh của nhau để bù đắp điểm yếu của bản thân. Theo cách này, dù thực hiện bổn phận gì hay làm việc gì, thì ngươi cũng sẽ luôn luôn làm tốt hơn và được Đức Chúa Trời chúc phúc. Khi so sánh, nếu ngươi luôn nghĩ rằng mình khá tốt và người khác kém hơn, và nếu ngươi luôn muốn có tiếng nói cuối cùng, thì phiền phức rồi. Đây là vấn đề về tâm tính. Người như vậy có phải là rất kiêu ngạo và tự cho mình là đúng không? Nếu người khác nói đúng, nhưng ngươi cảm thấy rằng nếu tiếp thu lời đề nghị của họ, thì họ có thể sẽ coi thường ngươi, cảm thấy ngươi không bằng họ, nên ngươi quyết định không nghe họ, chỉ muốn tìm mọi cách để ba hoa khoác lác áp đảo họ, để họ đánh giá cao mình. Ngươi luôn dùng cách thức này để chung sống với người khác, liệu có đạt được sự phối hợp hài hòa hay không? Chẳng những không đạt được sự phối hợp hài hòa, mà còn gây ra tác dụng xấu, về lâu về dài, mọi người sẽ cho rằng ngươi quá giả dối và xảo quyệt, không thể nhìn thấu được. Ngươi không thực hành lẽ thật, không phải người trung thực, người ta sẽ có ác cảm với ngươi. Nếu mọi người đều có ác cảm với ngươi, chẳng phải là ngươi bị bỏ rơi rồi sao? Ngươi nói xem, đến con người còn bỏ rơi thì Đức Chúa Trời sẽ đối đãi thế nào với những người như thế? Đức Chúa Trời cũng ghê tởm ngươi. Tại sao Đức Chúa Trời lại ghê tởm những người như vậy? Mặc dù tấm lòng thực hiện bổn phận của họ là chân thật, nhưng phương thức của họ lại khiến Đức Chúa Trời ghê tởm, tâm tính mà họ bộc lộ ra, mỗi một tâm tư, suy nghĩ và ý định của họ đều tà ác trong mắt Đức Chúa Trời, khiến Ngài buồn nôn và ghê tởm. Người luôn dùng những thủ đoạn đê tiện để nói năng và làm việc, nhằm khiến mọi người đánh giá cao mình, loại hành vi này đến Đức Chúa Trời cũng thấy ghê tởm.
– Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Những người ngạo mạn và tự phụ có khuynh hướng làm theo ý mình, vậy họ có lòng kính sợ Đức Chúa Trời không? Những người quá ngang ngạnh sẽ quên Đức Chúa Trời khi đến lúc phải hành động, và họ quên việc thuận phục Đức Chúa Trời; chỉ khi họ gặp phải trở ngại và không hoàn thành được bất cứ việc gì, thì họ mới thấy rằng mình đã không thuận phục Đức Chúa Trời, và đã không cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Vấn đề này là gì vậy? Đây là họ không có Đức Chúa Trời trong lòng. Hành động của họ cho thấy rằng Đức Chúa Trời vắng bóng trong lòng họ, rằng mọi thứ đều đến từ chính họ. Và vì vậy, cho dù ngươi đang làm công tác hội thánh, thực hiện bổn phận, giải quyết một số sự vụ bên ngoài, hoặc xử lý các vấn đề trong cuộc sống cá nhân của ngươi, thì phải có nguyên tắc trong lòng ngươi, phải có một trạng thái. Trạng thái gì? “Bất luận thế nào thì trước khi có bất cứ chuyện gì xảy ra với mình, mình cũng phải cầu nguyện, mình phải thuận phục Đức Chúa Trời, mình phải thuận phục sự tể trị của Ngài, mọi sự đều do Đức Chúa Trời sắp đặt, và khi có chuyện gì đó xảy ra thì mình phải tìm kiếm tâm ý của Đức Chúa Trời, mình phải có thái độ này, mình không được lập kế hoạch của riêng mình”. Sau khi trải nghiệm như thế một thời gian, người ta sẽ bất giác thấy mình nhìn ra được sự tể trị của Đức Chúa Trời trong nhiều thứ. Nếu ngươi luôn có những hoạch định, cân nhắc, mong muốn, động cơ ích kỷ và tham muốn của riêng mình, thì lòng ngươi sẽ vô tình lạc khỏi Đức Chúa Trời, ngươi sẽ không nhìn ra được cách Đức Chúa Trời hành động, và phần lớn thời gian, Đức Chúa Trời sẽ ẩn đi khỏi ngươi. Chẳng phải ngươi thích làm mọi việc theo ý của riêng mình sao? Chẳng phải ngươi lập kế hoạch của riêng mình sao? Ngươi nghĩ ngươi có đầu óc, ngươi có học thức, có kiến thức, ngươi có phương thức và thủ đoạn để làm việc, ngươi có thể tự mình làm, ngươi giỏi giang, ngươi không cần Đức Chúa Trời, và vì vậy Đức Chúa Trời phán: “Vậy hãy đi và làm điều đó một mình ngươi, và chịu trách nhiệm về việc nó có suôn sẻ hay không, Ta không quan tâm”. Đức Chúa Trời không chú ý đến ngươi. Khi người ta làm theo ý muốn của riêng mình theo cách này trong đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời và tin theo cách họ muốn, thì hậu quả là gì? Họ không bao giờ có thể trải nghiệm được sự tể trị của Đức Chúa Trời, họ không bao giờ có thể nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời, không bao giờ có thể cảm nhận được sự khai sáng và soi sáng của Đức Thánh Linh, họ không thể cảm nhận được sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Và điều gì sẽ xảy ra khi thời gian trôi qua? Lòng họ sẽ ngày càng xa cách Đức Chúa Trời hơn, và sẽ có những ảnh hưởng dây chuyền. Những ảnh hưởng gì? (Thưa, nghi ngờ và phủ nhận Đức Chúa Trời.) Đây không chỉ là trường hợp nghi ngờ và phủ nhận Đức Chúa Trời: khi Đức Chúa Trời không có chỗ đứng trong lòng người ta, và họ làm theo ý mình muốn trong thời gian dài, thì một thói quen sẽ hình thành: khi điều gì đó xảy ra với họ, điều đầu tiên họ sẽ làm là nghĩ đến giải pháp, và hành động theo ý định, mục tiêu và các kế hoạch của chính họ; trước tiên họ sẽ xem xét liệu điều này có lợi cho họ hay không; nếu có, họ sẽ làm, và nếu không, họ sẽ không làm; họ sẽ trở nên có thói quen đi thẳng đến con đường này. Và Đức Chúa Trời sẽ đối xử thế nào với những người như vậy nếu họ cứ hành động như thế mà không ăn năn? Đức Chúa Trời sẽ không để ý đến họ, và gạt họ sang một bên. Thế nào là gạt sang một bên? Đức Chúa Trời sẽ không sửa dạy và cũng không quở trách, con người sẽ ngày càng phóng túng, không còn bị phán xét, hành phạt, sửa dạy, cũng không bị khiển trách. Họ càng không được khai sáng, soi sáng hay dẫn dắt, đây chính là gạt sang một bên. Khi Đức Chúa Trời gạt con người sang một bên thì trong lòng con người sẽ cảm thấy thế nào? Phần linh của họ u ám, không có Đức Chúa Trời ở bên, khải tượng mơ hồ, không có hướng hành động và toàn làm những việc ngu ngốc. Cứ như vậy sau một thời gian dài, con người sẽ cảm thấy sống không còn ý nghĩa gì nữa, tâm linh trống rỗng, và họ sẽ giống như những người ngoại đạo, ngày càng sa đọa. Đây chính là người bị Đức Chúa Trời ghét bỏ.
– Các nguyên tắc thực hành thuận phục Đức Chúa Trời, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Tố chất kém cỏi vốn đã là thứ chí mạng. Nếu tâm tính còn không tốt, lại thêm thiếu đạo đức, không chịu lắng nghe lời khuyên của người khác, không tiếp nhận những điều tích cực, không sẵn lòng học hỏi và tiếp thu những điều mới thì những người như vậy quả thực là phế vật! Người thực hiện bổn phận phải có lương tâm và lý trí, phải biết năng lực bản thân ở mức nào, biết mình thiếu sót ở đâu, khiếm khuyết thứ gì và nên bổ sung những gì. Luôn cảm thấy bản thân thiếu sót rất nhiều, mà còn không chịu học hỏi và tiếp thu những điều mới thì sẽ có thể bị đào thải. Khi trong lòng cảm nhận được nguy cơ này thì sẽ có động lực để sẵn sàng học hỏi. Một mặt, vừa phải trang bị thêm nhiều lẽ thật, mặt khác, phải học thêm kiến thức chuyên môn để thực hiện bổn phận, vậy thì việc thực hành mới có tiến bộ, thực hiện bổn phận mới có thể đạt được kết quả tốt. Chỉ khi nào thực hiện tốt bổn phận của mình và sống thể hiện ra hình tượng giống con người thì sống mới có giá trị. Vậy nên, việc thực hiện bổn phận là điều có ý nghĩa nhất. Một số người có tâm tính không tốt, không những thiếu hiểu biết mà còn rất kiêu ngạo, luôn cảm thấy chuyện gì cũng tìm kiếm và nghe lời người khác thì sẽ bị coi thường, cảm thấy mất mặt và không có tôn nghiêm. Sự thực lại trái ngược, ngươi kiêu ngạo, tự cho mình là đúng, chẳng chịu học gì, mọi phương diện đều lạc hậu, cổ lỗ, không có kiến thức, thiếu suy nghĩ và trình độ mới đáng xấu hổ. Đấy mới là đánh mất nhân cách và tôn nghiêm. Có người làm gì cũng không tốt, học cái gì cũng chỉ biết nửa vời, hiểu được một chút đạo lý đã thấy thỏa mãn và cho rằng mình có bản lĩnh. Kết quả là họ làm gì cũng không thành, không hề có chút hiệu quả nào. Ngươi nói xem họ đã không hiểu gì, không làm được việc gì, lại còn không phục, luôn cố nói lý lẽ, nhưng khi làm thì chuyện gì cũng làm không tốt, đích thị là thứ ương ương dở dở. Không làm nổi việc gì thì có phải là phế vật không? Có phải là kẻ bỏ đi không? Những người có tố chất quá kém, ngay đến cái việc đơn giản nhất cũng không làm được, thì chính là kẻ bỏ đi, sống cũng không có chút giá trị nào. Có những người nói: “Tôi lớn lên ở nông thôn, không có văn hóa, không có kiến thức, tố chất kém cỏi, không giống như các người sống ở thành phố, có văn hóa, có kiến thức nên mới có thể làm tốt mọi việc”. Nói vậy có đúng không? (Thưa, không đúng.) Không đúng ở đâu? (Thưa, một người có thể làm được việc hay không chẳng có liên quan gì đến môi trường, mà chủ yếu phụ thuộc vào việc người đó có nỗ lực học tập và có phấn đấu đủ hay không.) Đức Chúa Trời đối đãi với con người thì không căn cứ vào trình độ văn hóa cao hay thấp, không căn cứ vào hoàn cảnh nơi họ sinh ra, cũng không căn cứ vào tài năng của họ cao hay thấp, mà căn cứ vào thái độ của mỗi người đối với lẽ thật. Thái độ này liên quan đến những gì? Nó liên quan đến nhân tính và tâm tính con người. Tin Đức Chúa Trời thì phải đối đãi với lẽ thật một cách đúng đắn. Ngươi có thái độ tiếp nhận lẽ thật và thái độ khiêm tốn, thì dù tố chất kém một chút, Đức Chúa Trời vẫn sẽ khai sáng cho ngươi và để ngươi đạt được gì đó. Nếu ngươi có tố chất tốt nhưng luôn kiêu ngạo và tự cho mình là đúng, lúc nào cũng nghĩ rằng mình nói gì cũng đúng, còn người khác nói gì cũng sai, từ chối bất cứ đề xuất nào người khác nêu ra, và thậm chí lẽ thật được thông công như thế nào, ngươi cũng không tiếp nhận, luôn chống đối, vậy thì một người như ngươi có được Đức Chúa Trời khen ngợi không? Liệu Đức Thánh Linh có làm công tác trên một người như ngươi không? Ngài sẽ không làm. Đức Chúa Trời sẽ phán rằng ngươi có tâm tính xấu và không xứng đáng nhận sự khai sáng của Ngài, và nếu ngươi không hối cải, Ngài thậm chí sẽ lấy đi những gì ngươi đã từng có. Bị tỏ lộ là như thế đó. Những người như vậy sống rất đáng thương, rõ ràng bản thân họ chẳng là gì, phương diện nào cũng không ổn, lại luôn cảm thấy mình không sai, mình giỏi hơn người khác về mọi mặt, không bao giờ nói về nhược điểm, khuyết điểm, sự yếu đuối và tiêu cực của bản thân trước mặt người khác. Họ luôn phô trương, luôn tạo cho người khác một ấn tượng giả tạo để người ta nghĩ rằng họ có thể làm được bất cứ điều gì, họ không yếu đuối, không cần sự giúp đỡ của ai, không cần thiết phải lắng nghe ý kiến của ai và cũng không cần phải học hỏi điểm mạnh của người khác để bù đắp điểm yếu của mình, bản thân họ luôn mạnh hơn kẻ khác. Đây là kiểu tâm tính gì? (Thưa, là kiêu ngạo.) Quá kiêu ngạo. Người như vậy sống thật đáng thương! Họ có thực sự tốt thế không? Có thực sự làm được việc không? Trước đây họ đã làm hỏng rất nhiều việc, lại còn tưởng rằng bản thân cái gì cũng tốt, có phải là quá thiếu lý trí không? Người thiếu lý trí đến mức này thì thành kẻ hồ đồ rồi. Người như vậy không học điều mới, cũng không tiếp nhận những thứ mới mẻ, bên trong con người họ rất cằn cỗi, hẹp hòi và nghèo nàn, họ không thể ngộ ra được bất cứ nguyên tắc nào, không nắm vững được nguyên tắc nào, không hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời, chỉ biết tuân thủ quy định, nói câu chữ và đạo lý, khoe mẽ bản thân trước mặt người khác, kết quả là chẳng hiểu gì về lẽ thật, không có một chút thực tế lẽ thật nào, lại còn kiêu ngạo như vậy, đích thị là một kẻ hồ đồ, bất chấp lý lẽ, chỉ có thể bị đào thải.
– Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Khi có chuyện xảy ra, nếu con người quá cứng đầu và khăng khăng với ý kiến của mình mà không tìm kiếm lẽ thật thì điều này rất nguy hiểm. Đức Chúa Trời sẽ ghét bỏ những người này và gạt họ sang một bên. Hậu quả của việc này là gì? Có thể nói một cách chắc chắn rằng họ có nguy cơ bị đào thải. Còn những người tìm kiếm lẽ thật có thể có được sự khai sáng và dẫn dắt của Đức Thánh Linh, và kết quả là nhận được phước lành của Đức Chúa Trời. Tìm kiếm lẽ thật và không tìm kiếm lẽ thật – hai thái độ khác nhau này có thể mang đến hai trạng thái khác nhau trong ngươi, cũng như hai kết quả khác nhau. Các ngươi thích kết quả nào hơn? (Thưa, con thích có được sự khai sáng của Đức Chúa Trời hơn.) Nếu con người muốn được Đức Chúa Trời khai sáng và dẫn dắt, muốn nhận được ân đãi của Đức Chúa Trời, thì họ phải có thái độ như thế nào? Họ phải thường xuyên có thái độ tìm kiếm và thuận phục đến trước Đức Chúa Trời. Dù cho ngươi đang thực hiện bổn phận của mình, đang qua lại với người khác, hay đang gặp phải một số vấn đề đặt biệt cần phải xử lý, ngươi đều phải có một thái độ tìm kiếm và thuận phục. Với kiểu thái độ này, có thể nói rằng ngươi phần nào đó có một tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời, và có thể tìm kiếm và thuận phục lẽ thật. Đây là con đường kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Nếu ngươi không có thái độ tìm kiếm và thuận phục, và thay vào đó ngoan cố đối kháng, bám víu vào bản thân, cự tuyệt việc tiếp nhận lẽ thật và chán ghét lẽ thật, thì tự nhiên ngươi sẽ làm ra rất nhiều điều ác. Ngươi sẽ không thể làm chủ được! Nếu con người không bao giờ tìm kiếm lẽ thật để giải quyết, thì hậu quả cuối cùng sẽ là dù cho họ có trải nghiệm nhiều bao nhiêu, dù cho họ có ở trong bao nhiêu tình huống, họ có trải qua bao nhiêu bài học mà Đức Chúa Trời sắp đặt cho họ, họ vẫn sẽ không thể hiểu được lẽ thật, và cuối cùng vẫn sẽ không thể bước vào thực tế lẽ thật. Nếu con người không thể bước vào thực tế lẽ thật, họ sẽ không có khả năng tuân theo con đường của Đức Chúa Trời, và nếu họ không thể tuân theo con đường của Đức Chúa Trời thì cuối cùng họ sẽ không có khả năng kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Con người cứ nói mãi về việc muốn thực hiện bổn phận và đi theo Đức Chúa Trời. Đây có phải là chuyện đơn giản không? Chắc chắn là không. Đây là chuyện lớn trong đời người! Không dễ dàng để làm tròn bổn phận, làm Đức Chúa Trời thỏa lòng và đạt được việc kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Nhưng để Ta nói cho các ngươi một nguyên tắc thực hành: nếu ngươi có thái độ tìm kiếm và thuận phục khi điều gì đó xảy đến với ngươi, việc này sẽ bảo vệ ngươi. Mục đích cuối cùng không phải là bảo vệ ngươi. Khiến ngươi hiểu được lẽ thật và có thể bước vào thực tế lẽ thật, và đạt được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời; đây mới là mục đích cuối cùng. Nếu ngươi có thái độ này trong mọi sự ngươi trải nghiệm, ngươi sẽ không còn cảm thấy việc thực hiện bổn phận của mình và thỏa mãn tâm ý của Đức Chúa Trời là những lời sáo rỗng và khẩu hiệu; cũng không còn cảm thấy tốn sức như vậy nữa. Thay vào đó, ngươi sẽ bất giác hiểu được không ít lẽ thật. Nếu ngươi trải nghiệm được như thế, ngươi chắc chắn sẽ được thu hoạch. Việc ngươi là ai, bao nhiêu tuổi, học thức ra sao, đã tin Đức Chúa Trời bao nhiêu năm, hay ngươi thực hiện bổn phận gì đều không quan trọng. Miễn là ngươi có thái độ tìm kiếm và thuận phục, miễn là ngươi trải nghiệm theo cách này, thì cuối cùng, ngươi chắc chắn sẽ hiểu được lẽ thật và bước vào thực tế lẽ thật. Còn ngược lại, nếu ngươi không có thái độ tìm kiếm và thuận phục trong mọi việc xảy đến với ngươi, thì ngươi sẽ không thể hiểu được lẽ thật, cũng như sẽ không thể bước vào thực tế lẽ thật.
– Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Nhân loại bị Sa-tan làm bại hoại quá đỗi đến nỗi toàn bộ nhân loại đều có bản tính Sa-tan và tâm tính kiêu ngạo, ngay cả kẻ ngu xuẩn và đần độn cũng kiêu ngạo, nghĩ mình giỏi hơn người khác và không phục người khác. Có thể thấy rõ là nhân loại bị làm cho bại hoại quá sâu sắc và rất khó để họ thuận phục Đức Chúa Trời. Vì tâm tính kiêu ngạo và tự cho mình là đúng, người ta trở nên hoàn toàn không có lý trí, họ không phục bất kỳ ai, kể cả khi lời của người ta đúng đắn và tương hợp với lẽ thật, họ cũng không chịu nghe. Bởi vì kiêu ngạo mà người ta dám phán xét Đức Chúa Trời, lên án Đức Chúa Trời và chống đối Đức Chúa Trời. Vậy làm sao để giải quyết được tâm tính kiêu ngạo? Dựa vào sự kiềm chế của con người thì có giải quyết nó được không? Chỉ nhận ra và thừa nhận nó, thì có giải quyết nó được không? Tuyệt đối không thể. Chỉ có một cách duy nhất để giải quyết tâm tính kiêu ngạo, và đó là tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời. Chỉ những ai có thể tiếp nhận lẽ thật mới có thể dần dà thoát khỏi những tâm tính kiêu ngạo, những ai không tiếp nhận lẽ thật thì sẽ không bao giờ có thể giải quyết những tâm tính kiêu ngạo của mình. Ta thấy nhiều người thể hiện chút tài năng trong bổn phận thì tự cao tự đại về bản thân. Khi thể hiện được mình có chút năng lực thì họ nghĩ mình rất ấn tượng, rồi họ sống dựa vào những năng lực này và không thúc đẩy mình thêm nữa. Người khác nói gì họ cũng không thèm nghe, nghĩ rằng những thứ nhỏ nhặt họ có là lẽ thật rồi, nghĩ rằng họ chí cao vô thượng rồi. Đây là tâm tính gì vậy? Đây là tâm tính kiêu ngạo. Họ quá thiếu lý trí. Khi mang trong mình tâm tính kiêu ngạo, người ta có thể làm tròn bổn phận không? Có thể thuận phục Đức Chúa Trời và đi theo Đức Chúa Trời đến cùng không? Chuyện này sẽ càng khó khăn hơn nữa. Để giải quyết tâm tính kiêu ngạo thì trong khi thực hiện bổn phận, họ phải học cách trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời, sự phán xét và hình phạt của Ngài. Chỉ có như thế họ mới có thể thật sự biết mình. Chỉ có thấy rõ thực chất bại hoại của mình, thấy rõ căn nguyên sự kiêu ngạo của mình, rồi phân định và phân tích nó, thì ngươi mới có thể biết được thực chất bản tính của mình. Ngươi phải khai quật mọi thứ bại hoại trong ngươi, lấy căn cứ là lẽ thật mà đối chiếu và nhận thức chúng, rồi ngươi sẽ biết mình là gì: ngươi không chỉ đầy tâm tính bại hoại, không chỉ không có lý trí và sự thuận phục, mà ngươi còn thấy được mình thiếu sót quá nhiều thứ, thấy ngươi không có thực tế lẽ thật, thấy ngươi đáng thương đến thế nào. Rồi ngươi sẽ không thể kiêu ngạo nữa. Nếu ngươi không mổ xẻ và biết mình theo cách này, thì khi thực hiện bổn phận, ngươi sẽ không biết trời cao đất dày là gì. Ngươi sẽ nghĩ mình giỏi giang mọi bề, còn người khác thì cái gì cũng dở, chỉ có mình ngươi là giỏi nhất. Rồi ngươi sẽ phô trương với tất cả mọi người trong mọi lúc, để người khác ngưỡng mộ và tôn sùng ngươi. Như thế này là hoàn toàn không biết mình chút nào. Có người luôn phô trương bản thân. Khi người khác thấy không thuận mắt thì chỉ trích kẻ phô trương là kiêu ngạo. Nhưng họ đâu có phục, họ vẫn nghĩ mình có năng lực và tài cán. Đây là tâm tính gì? Họ quá kiêu ngạo và tự cho mình là đúng. Những người kiêu ngạo và tự cho mình là đúng này có thể khao khát lẽ thật không? Họ có thể mưu cầu lẽ thật không? Nếu họ không bao giờ có thể biết mình, không thoát khỏi tâm tính bại hoại của mình, vậy thì họ có thể làm tròn bổn phận của mình không? Chắc chắn là không.
– Biết tâm tính của một người là nền tảng để thay đổi nó, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Nếu như trong đức tin vào Đức Chúa Trời, ngươi không thể tiếp nhận và thuận phục lẽ thật, thì Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của ngươi. Nếu ngươi từ chối lẽ thật và loại bỏ lẽ thật thì ngươi đã trở thành kẻ chống đối Đức Chúa Trời. Vậy thì Đức Chúa Trời vẫn có thể cứu rỗi ngươi chứ? Ngài chắc chắn không thể. Đức Chúa Trời ban cho ngươi cơ hội để nhận được sự cứu rỗi của Ngài và không coi ngươi là kẻ thù, nhưng ngươi lại không thể tiếp nhận lẽ thật và lại đặt Ngài ở phía đối lập với ngươi; việc ngươi không có khả năng tiếp nhận Đức Chúa Trời như lẽ thật của ngươi và như con đường của ngươi khiến ngươi trở thành kẻ chống đối Đức Chúa Trời. Vấn đề này nên được giải quyết như thế nào? Ngươi phải nhanh chóng ăn năn và xoay chuyển. Ví dụ như khi ngươi gặp phải một vấn đề hoặc khó khăn trong khi thực hiện bổn phận và ngươi không biết cách giải quyết nó, thì ngươi không được mù quáng suy ngẫm về vấn đề đó mà trước tiên ngươi phải yên lặng trước Đức Chúa Trời, cầu nguyện và tìm kiếm từ Ngài, xem lời Đức Chúa Trời nói gì về vấn đề đó. Nếu như sau khi đọc lời Đức Chúa Trời mà ngươi vẫn không hiểu và không biết vấn đề này liên quan đến những lẽ thật nào, thì ngươi phải bám sát một nguyên tắc – đó là, trước hết hãy thuận phục, không có ý kiến hay suy nghĩ cá nhân nào, hãy chờ đợi với lòng bình an, xem Đức Chúa Trời dự định và muốn hành động như thế nào. Khi không hiểu lẽ thật thì ngươi nên tìm kiếm nó và ngươi nên chờ đợi Đức Chúa Trời hơn là hành động mù quáng và bất cẩn. Nếu ai đó đưa cho ngươi một ý kiến khi ngươi không hiểu lẽ thật và họ nói cho ngươi cách hành động phù hợp với lẽ thật thì trước tiên ngươi nên tiếp nhận, để cho mọi người thông công về nó, xem liệu con đường này có đúng hay không, và liệu có phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật hay không. Nếu ngươi xác nhận rằng con đường này phù hợp với lẽ thật thì hãy thực hành như thế; nếu ngươi xác định rằng nó không phù hợp với lẽ thật thì đừng thực hành như thế. Đơn giản thế thôi. Khi tìm kiếm lẽ thật, ngươi nên tìm kiếm từ nhiều người. Nếu ai đó có điều gì muốn nói thì ngươi nên lắng nghe họ và nghiêm túc với mọi lời nói của họ. Đừng làm lơ hoặc mặc kệ họ, bởi vì điều này liên quan đến những vấn đề thuộc phạm vi bổn phận của ngươi và ngươi phải đối xử với nó một cách nghiêm túc. Đây là thái độ và trạng thái đúng đắn. Khi ngươi ở trong trạng thái đúng đắn, không phơi bày tâm tính chán ghét lẽ thật và thù hận lẽ thật thì việc thực hành theo cách này sẽ thay thế tâm tính bại hoại của ngươi. Đây là thực hành lẽ thật. Nếu ngươi thực hành lẽ thật theo cách này thì nó sẽ mang đến kết quả gì? (Thưa, chúng con sẽ được Đức Thánh Linh dẫn dắt.) Nhận được sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh là một mặt. Đôi khi, chuyện sẽ rất đơn giản và ngươi có thể hoàn thành bằng trí óc của riêng mình; sau khi những người khác đưa ra ý kiến xong và ngươi hiểu được thì ngươi sẽ có thể sửa chữa mọi việc và hành động phù hợp với những nguyên tắc. Người ta có thể nghĩ rằng đây là một vấn đề nhỏ nhưng đối với Đức Chúa Trời thì đây là một vấn đề lớn. Tại sao Ta phán như vậy? Bởi vì khi ngươi thực hành theo cách này thì đối với Đức Chúa Trời, ngươi là một người có thể thực hành lẽ thật, một người yêu lẽ thật và một người không chán ghét lẽ thật – khi Đức Chúa Trời nhìn vào lòng ngươi, Ngài cũng thấy tâm tính của ngươi, và đây là chuyện hệ trọng. Nói cách khác, khi ngươi thực hiện bổn phận và hành động trước Đức Chúa Trời, thì những gì ngươi sống thể hiện ra và bộc lộ đều là những thực tế lẽ thật mà con người nên có. Thái độ, suy nghĩ và trạng thái của ngươi trong mọi việc ngươi làm là những điều quan trọng nhất đối với Đức Chúa Trời và là những điều Đức Chúa Trời dò xét.
– Chỉ khi thường xuyên sống trước mặt Đức Chúa Trời thì mới có thể có mối quan hệ bình thường với Ngài, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Khi ngươi gặp chuyện, thay vì tranh cãi, trước hết ngươi phải gạt bỏ những quan niệm, tưởng tượng và phán định của mình, đây là lý tính mà một con người phải có. Nếu có chuyện gì Ta không hiểu, không thuộc chuyên môn của Ta, thì Ta phải tham khảo ý kiến người nào quen thuộc với chủ đề này. Sau khi tham khảo ý kiến của họ, Ta sẽ có khái niệm cơ bản về vấn đề này. Tuy nhiên, Ta phải tìm cách tự mình xử lý vấn đề, Ta không được chỉ toàn nghe người khác, cũng không được hoàn toàn dựa trên những tưởng tượng của mình mà tiếp cận vấn đề. Ta phải tìm kiếm cách hành động sao cho có lợi cho công tác của hội thánh và phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật. Đây chẳng phải là cách xử lý mọi chuyện một cách có lý tính hay sao? Đây không phải là lý trí mà một con người bình thường phải có hay sao? Tìm kiếm và xin lời khuyên theo cách này là việc làm đúng đắn. Giả dụ như ngươi am hiểu về một lĩnh vực nhất định, và Ta tham khảo ý kiến của ngươi về lĩnh vực đó, nhưng sau đó, ngươi lại đòi Ta phải làm theo những gì ngươi bảo, thực hiện kế hoạch hành động mà ngươi đề ra, vậy đó là loại tâm tính gì? Là tâm tính kiêu ngạo. Vậy thì cách hành động có lý trí phải như thế nào? Ngươi phải nói rằng: “Tôi có một chút hiểu biết về lĩnh vực này, nhưng nó không liên quan đến lẽ thật. Anh có thể xem đây là gợi ý để cân nhắc, nhưng về cách hành động cụ thể thì anh nên tìm kiếm thêm về tâm ý của Đức Chúa Trời”. Nếu Ta xin lời khuyên từ ngươi và ngươi thật sự nghĩ mình am hiểu vấn đề đó, xem mình là kẻ phi thường, vậy thì đó chính là tâm tính kiêu ngạo. Bản tính kiêu ngạo có thể khiến ngươi có dạng phản ứng và biểu hiện này, khi có người tìm ngươi xin lời khuyên, ngươi ngay lập tức đánh mất lý tính, ngươi đánh mất lý trí của một con người bình thường và không thể đưa ra những phán đoán đúng đắn. Khi ai đó bộc lộ tâm tính bại hoại, thì lý trí của họ không bình thường. Do đó, bất luận gặp phải chuyện gì, kể cả nếu có người xin ngươi lời khuyên, ngươi cũng không được xấc xược và ngươi phải có lý trí bình thường. Mà cách hành động bình thường là gì? Đến lúc này, ngươi phải suy xét rằng: “Mặc dù mình hiểu vấn đề này, nhưng mình không được xấc xược. Mình phải tiếp cận vấn đề này với lý trí của nhân tính bình thường”. Khi quay về trước Đức Chúa Trời, ngươi sẽ có lý trí của nhân tính bình thường. Mặc dù nhiều lúc ngươi sẽ bộc lộ cảm giác tự mãn nhất định, nhưng trong lòng ngươi sẽ có sự kiềm chế, những sự bộc lộ tâm tính bại hoại của ngươi sẽ bớt đi phân nửa, và ngươi sẽ ít ảnh hưởng tiêu cực lên người khác hơn. Tuy nhiên, nếu ngươi hành động theo tâm tính kiêu ngạo của mình, luôn tin rằng mình đúng và do đó bắt ép người khác nghe theo mình, thì nó cho thấy ngươi vô cùng thiếu lý trí. Nếu con đường mà ngươi chỉ ra cho người khác là đúng đắn thì mọi chuyện ổn cả, nhưng nếu nó sai thì sẽ gây hại cho họ. Nếu ai đó tìm ngươi xin lời khuyên về một vấn đề cá nhân và ngươi chỉ cho họ đi sai đường, thì ngươi chỉ gây hại cho một người mà thôi. Tuy nhiên, nếu họ hỏi ý ngươi về một vấn đề hệ trọng có liên quan đến công tác của hội thánh và ngươi hướng họ đi sai đường, thì ngươi sẽ gây hại cho công tác của hội thánh và lợi ích của nhà Đức Chúa Trời sẽ bị tổn hại. Nếu tính chất vấn đề đó nghiêm trọng và nó xúc phạm đến tâm tính Đức Chúa Trời thì hậu quả sẽ không thể nào tưởng tượng nổi.
– Con đường giải quyết tâm tính bại hoại, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Bất kể đang làm gì, ngươi cũng phải học cách tìm kiếm và vâng phục lẽ thật; bất kể là ai cho ngươi lời khuyên, nếu nó phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật, thì ngay cả khi nó đến từ một đứa bé thì ngươi cũng phải tiếp nhận và thuận phục. Cho dù một người có vấn đề gì đi nữa, nếu lời nói và lời khuyên của họ phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật thì ngươi nên tiếp nhận và thuận phục. Kết quả của việc hành động như vậy sẽ tốt, và phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời. Điều quan trọng là nhìn xem động cơ của ngươi, những nguyên tắc và phương pháp xử lý mọi việc của ngươi là gì. Nếu các nguyên tắc và phương pháp xử lý mọi việc của ngươi xuất phát từ ý muốn của con người, từ những suy nghĩ và quan niệm của con người, hay từ những triết lý của Sa-tan, thì những nguyên tắc và phương pháp đó là không thực tế và chúng nhất định là không hiệu quả. Đó là bởi vì nguồn gốc của các nguyên tắc và phương pháp của ngươi là không chính xác và không phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật. Nếu quan điểm của ngươi dựa trên các nguyên tắc lẽ thật và ngươi xử lý mọi việc theo các nguyên tắc lẽ thật, thì ngươi nhất định sẽ xử lý chúng một cách đúng đắn. Ngay cả khi tại thời điểm đó có người không chấp nhận cách ngươi xử lý mọi việc, hoặc họ có quan niệm, hay chống đối nó, thì sau một thời gian, nó sẽ được xác nhận. Hiệu quả của những điều phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật ngày càng tích cực hơn, trong khi đó những điều không phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật, ngay cả nếu chúng có phù hợp với quan niệm của mọi người vào thời điểm đó, sẽ dẫn đến những hậu quả ngày càng tiêu cực. Tất cả mọi người sẽ xác nhận điều này. Không việc gì ngươi làm phải chịu sự kìm kẹp của con người và ngươi không được tự mình đưa ra quyết định; trước tiên ngươi nên cầu nguyện với Đức Chúa Trời và tìm kiếm lẽ thật, sau đó nên thăm dò và thông công về vấn đề với mọi người. Mục đích của việc thông công là gì? Đó là để ngươi có thể làm mọi việc chính xác theo tâm ý của Đức Chúa Trời và hành động phù hợp với tâm ý của Đức Chúa Trời. Nói như thế là phần nào cao vời, và người ta sẽ không đạt được tiêu chuẩn này. Nói một cách cụ thể hơn, nó là để ngươi có thể hành động chính xác theo các nguyên tắc lẽ thật. Như thế thì rõ ràng hơn. Khi người ta đạt được tiêu chuẩn này, là họ đang thực hành lẽ thật và tuân theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, họ có thực tế lẽ thật và không bị bất kỳ ai phản đối.
– Con đường giải quyết tâm tính bại hoại, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Khi có chuyện xảy ra, ngươi không được tự nên công chính. Ngươi phải yên lặng trước Đức Chúa Trời và rút ra bài học. Ngươi phải có thể buông bỏ bản thân để học hỏi thêm. Nếu ngươi nghĩ: “Tôi thành thạo việc này hơn các người, do đó tôi nên phụ trách, các người nên nghe lời tôi!” – thì đây là loại tâm tính gì? Đây là sự kiêu ngạo và tự nên công chính. Đây là một tâm tính Sa-tan, tâm tính bại hoại và không phải là thứ nằm trong phạm vi nhân tính bình thường. Vậy, không tự nên công chính nghĩa là gì? (Thưa, nghĩa là lắng nghe ý kiến của mọi người và thảo luận với mọi người.) Bất kể suy nghĩ và quan điểm cá nhân của ngươi thế nào, nếu ngươi mù quáng xác định rằng chúng là đúng và rằng sự việc nên được thực hiện theo như vậy, thì đó là kiêu ngạo và tự nên công chính. Nếu ngươi có một số ý kiến hoặc quan điểm mà ngươi cho là đúng nhưng ngươi không hoàn toàn tin tưởng bản thân, và ngươi có thể xác nhận những ý kiến hoặc quan điểm này thông qua tìm kiếm, thông công, thì đó là không tự nên công chính. Chờ đợi để nhận được sự thông qua và tán thành của mọi người trước khi hành động mới là cách làm hợp lý. Nếu ai đó không đồng ý với ngươi thì ngươi nên đáp lại một cách nghiêm túc, và khi nói đến các khía cạnh chuyên môn trong công việc thì hãy thật tỉ mỉ. Ngươi không được nhắm mắt làm ngơ bằng cách nói: “Anh hiểu chuyện này hơn hay tôi hiểu hơn? Tôi đã tham gia vào lĩnh vực công việc này một thời gian dài – lẽ nào tôi không hiểu hơn anh? Anh thì biết gì chứ? Anh không hiểu đâu!”. Đây không phải là một tâm tính tốt. Tâm tính này quá kiêu ngạo và tự nên công chính. Có thể người không đồng ý với ngươi là một người nghiệp dư và họ không am hiểu về lĩnh vực công việc đó; ngươi có thể đúng và ngươi có thể đang làm chính xác, nhưng chính tâm tính của ngươi mới là vấn đề. Vậy thì đâu là cách cư xử và hành động đúng đắn? Ngươi làm thế nào để có thể cư xử và hành động phù hợp với các nguyên tắc lẽ thật? Ngươi phải đưa ra ý kiến của mình và để mọi người xem chúng có bất kỳ vấn đề gì không. Nếu ai đó đưa ra ý kiến thì trước tiên, ngươi phải tiếp nhận, sau đó để mọi người xác nhận con đường thực hành đúng đắn. Nếu không ai có bất kỳ vấn đề gì nữa thì ngươi có thể xác định cách làm việc phù hợp nhất và hành động theo cách đó. Nếu phát hiện có vấn đề thì ngươi phải trưng cầu ý kiến của mọi người và tất cả nên cùng nhau tìm kiếm lẽ thật, thông công lẽ thật, và bằng cách đó, ngươi sẽ được sự khai sáng của Đức Thánh Linh. Khi lòng ngươi được soi sáng và ngươi có một con đường tốt hơn thì ngươi sẽ đạt được kết quả tốt hơn trước. Chẳng phải đây là sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời sao? Đây là một điều tốt! Nếu ngươi có thể tránh được việc tự nên công chính, nếu ngươi có thể gạt bỏ những sự tưởng tượng và ý kiến của mình, nếu ngươi có thể lắng nghe ý kiến đúng đắn của người khác, thì ngươi sẽ có thể nhận được sự khai sáng của Đức Thánh Linh. Lòng ngươi sẽ được soi sáng và ngươi sẽ có thể tìm thấy con đường đúng đắn. Ngươi sẽ có một con đường phía trước, và khi ngươi đưa nó vào thực hành thì nó nhất định sẽ phù hợp với lẽ thật. Thông qua thực hành và trải nghiệm như vậy, ngươi sẽ học được cách thực hành lẽ thật, đồng thời ngươi sẽ học được thêm một điều mới về mặt nghiệp vụ. Đây chẳng phải chuyện tốt sao? Thông qua việc này, ngươi sẽ nhận ra rằng khi có chuyện xảy ra thì ngươi không được tự nên công chính mà phải tìm kiếm lẽ thật, rằng nếu ngươi tự nên công chính, không tiếp nhận lẽ thật thì mọi người sẽ không thích ngươi và Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ ghê tởm ngươi. Đây không phải một bài học kinh nghiệm sao? Nếu luôn mưu cầu theo cách này và thực hành lẽ thật thì ngươi sẽ tiếp tục mài giũa các kỹ năng chuyên môn mà ngươi sử dụng trong bổn phận của ngươi, sẽ đạt được kết quả ngày càng tốt hơn trong bổn phận của ngươi, và Đức Chúa Trời sẽ khai sáng, ban phước cho ngươi, cho phép ngươi đạt được nhiều hơn nữa. Ngoài ra, ngươi sẽ có một con đường để thực hành lẽ thật, và khi biết cách thực hành lẽ thật thì ngươi sẽ dần dần nắm bắt được các nguyên tắc. Khi ngươi biết những hành động nào sẽ dẫn đến sự khai sáng và dẫn dắt của Đức Chúa Trời, những hành động nào sẽ dẫn đến sự ghê tởm và sự phớt lờ của Ngài, hành động nào sẽ dẫn tới sự chấp thuận và ban phước của Ngài, thì ngươi sẽ có một con đường phía trước. Khi con người nhận được những phước lành và sự khai sáng của Đức Chúa Trời, sự tiến bộ trong sự sống của họ sẽ nhanh hơn. Họ sẽ nhận được sự khai sáng và sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời mỗi ngày và sẽ có sự bình an, hạnh phúc trong lòng. Chẳng phải điều này sẽ mang lại cho họ niềm vui sao? Khi những hành động của ngươi được bày ra trước Đức Chúa Trời và được Đức Chúa Trời chấp thuận thì ngươi sẽ cảm thấy vui trong lòng, và trong thâm tâm, ngươi sẽ có được sự bình an và hạnh phúc. Sự bình an và hạnh phúc này là cảm giác mà Đức Chúa Trời đã trao cho ngươi. Chúng là sự cảm động mà Đức Thánh Linh ban cho ngươi.
– Chỉ khi thường xuyên sống trước mặt Đức Chúa Trời thì mới có thể có mối quan hệ bình thường với Ngài, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt
Lời chứng trải nghiệm liên quan
Sau khi tôi bị tố giác
Tại sao tôi quá kiêu ngạo