26. Cách giải quyết vấn đề tâm tính cương ngạnh

Lời Đức Chúa Trời Toàn Năng trong thời kỳ sau rốt

Loại trạng thái nào tồn tại bên trong người ta khi họ có tâm tính cương ngạnh? Chủ yếu là họ ngoan cố và tự cho mình là đúng. Họ luôn bám vào quan điểm riêng của mình, họ luôn cho rằng những gì mình nói là đúng, họ luôn bám chặt ý riêng, và họ cứng đầu. Đây là thái độ cương ngạnh. Họ giống như “nước đổ đầu vịt”, không lắng nghe bất cứ ai, chỉ chăm chăm một hướng hành động không thể thay đổi được, khăng khăng đến cùng với nó, bất kể đúng sai; có phần không biết hối cải. Tục ngữ có câu: “Điếc không sợ súng”. Người ta biết rõ điều đúng đắn phải làm là gì, nhưng họ không làm, họ nhất quyết không chịu tiếp nhận lẽ thật. Đây là một loại tâm tính: cương ngạnh. Các ngươi bộc lộ tâm tính cương ngạnh trong những dạng tình huống nào? Các ngươi có thường xuyên cương ngạnh không? (Thưa, có.) Rất thường xuyên! Và vì cương ngạnh là tâm tính của ngươi, nên nó đồng hành cùng ngươi trong từng giây, từng ngày trong cuộc sống. Sự cương ngạnh khiến con người không thể đến trước Đức Chúa Trời, không thể tiếp nhận lẽ thật, và không thể bước vào thực tế lẽ thật. Và nếu ngươi không thể bước vào thực tế lẽ thật, thì liệu có thể xảy ra sự thay đổi nào trong khía cạnh này của tâm tính ngươi không? Khó lắm. Hiện tại đã có bất kỳ sự thay đổi nào trong khía cạnh cương ngạnh này của tâm tính các ngươi chưa? Và đã thay đổi đến mức độ nào rồi? Ví dụ: giả sử trước đây ngươi cương ngạnh, không gì lay chuyển được ngươi, nhưng bây giờ đã có một chút thay đổi nơi ngươi: khi gặp phải chuyện gì đó, ngươi có chút ý thức lương tâm trong lòng và tự nhủ: “Mình phải thực hành lẽ thật nào đó trong vấn đề này. Vì Đức Chúa Trời đã vạch trần tâm tính cương ngạnh này, vì mình đã được nghe về nó, và bây giờ mình đã biết nó, nên mình phải thay đổi. Trong quá khứ, khi mình gặp phải những chuyện kiểu này một vài lần, mình đã chiều theo xác thịt và thất bại, và mình không hài lòng về điều này. Lần này mình phải thực hành lẽ thật”. Với ý chí như vậy thì có thể thực hành lẽ thật, và đây là sự thay đổi. Khi ngươi trải nghiệm theo cách này một thời gian, ngươi có thể đưa nhiều lẽ thật hơn vào thực hành, điều này mang lại những thay đổi lớn hơn, và những tâm tính phản nghịch, cương ngạnh của ngươi ngày càng giảm bớt, như vậy có phải đã có sự thay đổi trong tâm tính sống của ngươi rồi không? Nếu tâm tính phản nghịch của ngươi ngày càng giảm đi rõ rệt, và sự vâng phục Đức Chúa Trời của ngươi ngày càng tăng lên, thì đã có sự thay đổi thực sự. Vậy ngươi phải thay đổi đến mức nào để đạt được sự vâng phục thực sự? Ngươi sẽ thành công khi không còn một chút cương ngạnh nào, mà chỉ có vâng phục. Đây là một tiến trình chậm. Những thay đổi trong tâm tính không diễn ra một sớm một chiều, chúng cần thời gian dài trải nghiệm, thậm chí có thể là cả đời. Đôi khi cần phải chịu nhiều đau khổ cùng cực, những đau khổ như chết đi sống lại, những đau khổ đau đớn và khó khăn hơn cả róc xương chữa độc.

– Chỉ khi biết sáu loại tâm tính bại hoại mới thật sự tự biết mình, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Khi người ta bộc lộ sự kiêu ngạo, giả dối và giả hình trước Đức Chúa Trời, sâu trong lòng họ có ý thức được chuyện đó không? (Thưa, có.) Khi ý thức được chuyện đó, họ làm gì với nó? Họ có kiềm chế bản thân không? Họ có kìm lại không? Họ có phản tỉnh bản thân không? (Thưa, không.) Khi người ta biết rằng họ đã bộc lộ tâm tính kiêu ngạo nhưng lại không phản tỉnh cũng không cố biết mình, thậm chí nếu có người chỉ ra cho thấy, họ vẫn không tiếp thu, lại còn biện hộ cho mình, thì đây là dạng tâm tính gì? (Thưa, là sự cương ngạnh.) Đúng, đây là sự cương ngạnh. Bất kể tâm tính cương ngạnh này thể hiện như thế nào trước mặt những người khác, bất kể hoàn cảnh bộc lộ thái độ đó ra sao, thì đây vẫn là một người có tâm tính cương ngạnh. Bất kể người ta giảo hoạt và trá hình đến thế nào, tâm tính cương ngạnh vẫn dễ dàng bị phơi bày. Bởi vì người ta đâu sống giữa chân không, và bất kể họ ở trước mặt người khác hay không, tất cả mọi người đều sống trước Đức Chúa Trời, và hết thảy mọi người đều ở dưới sự dò xét của Đức Chúa Trời. Nếu người ta thường hay tùy ý, phóng đãng, không biết kiềm chế, và có những chiều hướng này, những sự bộc lộ bại hoại này, thậm chí khi đã ý thức được như thế mà vẫn không chịu quay đầu, khi đã nhận ra như thế mà vẫn không chịu ăn năn, không mở lòng thông công hoặc tìm kiếm lẽ thật để giải quyết vấn đề này, thì đấy chính là cương ngạnh. Những biểu hiện của cương ngạnh có hai loại khác nhau là “cương” và “ngạnh”[a]. “Cương” nghĩa là rất ngoan cố, không chịu xoay chuyển, không chịu mềm mỏng. “Ngạnh” nghĩa là người khác không dám nhắc đến chuyện của ngươi, và nếu làm thế thì họ sẽ phải thấy đau đớn. Thường thì người ta không muốn tiếp xúc với người có tâm tính cương ngạnh, cũng hệt như người ta không muốn tiếp xúc với những thứ thô cứng, cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc với thứ như thế. Con người thích những thứ mềm mại, kết cấu mềm mại khiến người ta cảm thấy thoải mái, đem lại vui thú cho họ, còn cương ngạnh thì ngược lại hoàn toàn. Sự cương ngạnh khiến người ta thể hiện một thái độ, và thái độ này là ngoan cố, cứng đầu cứng cổ. Tâm tính gì đang thể hiện trong chuyện này? Đây là tâm tính cương ngạnh. Nghĩa là khi người ta gặp phải chuyện gì đó, mặc dù họ ý thức được hoặc có chút cảm giác thoáng qua rằng thái độ của mình là không tốt, không đúng đắn, nhưng tâm tính cương ngạnh thôi thúc họ nghĩ rằng: “Người khác phát hiện ra thì sao chứ? Mình là thế này mà!”. Đây là dạng thái độ gì? Họ chối bỏ vấn đề, họ không nghĩ thái độ này là xấu, là phản nghịch Đức Chúa Trời, là phát xuất từ Sa-tan hay là một sự bộc lộ tâm tính Sa-tan, họ không ý thức cũng không nhận ra được quan điểm của Đức Chúa Trời về chuyện này và mức độ khinh ghét của Ngài dành cho nó, đây chính là mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Tâm tính cương ngạnh là tốt hay xấu? (Thưa, là xấu.) Nó là tâm tính Sa-tan. Nó khiến người ta khó lòng tiếp nhận lẽ thật, khiến họ càng khó ăn năn hơn nữa. Mọi tâm tính Sa-tan đều tiêu cực, đều bị Đức Chúa Trời ghét bỏ và không có gì là tích cực cả.

– Biết tâm tính của một người là nền tảng để thay đổi nó, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Chú thích:

a. Bản gốc không có cụm “có hai loại khác nhau là ‘cương’ và ‘ngạnh’”.


Một vấn đề chính khác là thứ tồn tại trong thực chất tâm tính của mỗi con người: tính cố chấp. Điều này cũng biểu lộ khá cụ thể và rõ ràng phải không nào? (Thưa, phải.) Đây là hai trong số những cách chính mà tâm tính bại hoại của con người thể hiện và bộc lộ. Những hành vi cụ thể này, những quan điểm, thái độ cụ thể này, v.v. minh họa chân thực và chính xác rằng có một yếu tố chán ghét lẽ thật trong tâm tính bại hoại của con người. Dĩ nhiên, điều nổi bật hơn trong tâm tính của con người là những biểu hiện của sự cố chấp: bất kể Đức Chúa Trời phán điều gì, và bất kể tâm tính bại hoại nào của con người bị vạch trần trong quá trình công tác của Đức Chúa Trời, con người vẫn ngoan cố không thừa nhận và chống đối. Tất nhiên, ngoài sự chống đối rõ ràng hoặc từ chối một cách khinh thường, còn có một loại hành vi khác, đó là khi con người ta không quan tâm đến công tác của Đức Chúa Trời, như thể công tác của Đức Chúa Trời không liên quan gì đến họ. Không quan tâm đến Đức Chúa Trời nghĩa là gì? Đó là khi người ta nói: “Ngài phán gì thì phán – không liên quan gì đến con. Không có sự phán xét hay vạch trần nào của Ngài liên quan đến con cả. Con không tiếp nhận hay thừa nhận điều đó”. Chúng ta có thể gọi một thái độ như vậy là “cố chấp” không? (Thưa, có.) Đó là một biểu hiện của sự cố chấp. Những người này nói: “Con sống theo cách con thích, theo bất kỳ cách nào khiến con thoải mái và theo bất kỳ cách nào khiến con hạnh phúc. Những hành vi Ngài nói đến như kiêu ngạo, giả dối, chán ghét lẽ thật, tà ác, hung ác, v.v. – ngay cả khi con có những hành vi đó thì sao chứ? Con sẽ không xem xét, không biết, hay tiếp nhận chúng. Đây là cách con tin Đức Chúa Trời, Ngài định làm gì?”. Đây là một thái độ cố chấp. Khi con người không quan tâm hoặc không chú ý đến lời Đức Chúa Trời, điều đó có nghĩa là họ luôn phớt lờ Đức Chúa Trời, bất kể Ngài phán gì, cho dù Ngài phán dưới hình thức nhắc nhở, cảnh báo hay khuyên nhủ – bất kể Ngài sử dụng cách nói nào, hay nguồn gốc và mục đích lời phán của Ngài là gì – thì thái độ của họ vẫn là thái độ cố chấp. Điều đó có nghĩa là họ không chú ý đến tâm ý khẩn thiết của Đức Chúa Trời, chứ đừng nói đến mong muốn cứu rỗi con người chân thành, thiện chí của Ngài. Bất kể Đức Chúa Trời làm gì, con người cũng không có quyết tâm hợp tác và không sẵn lòng phấn đấu đạt được lẽ thật. Ngay cả khi họ thừa nhận sự phán xét và mặc khải của Đức Chúa Trời là hoàn toàn đúng sự thật, nhưng trong lòng họ không hề hối hận và họ vẫn tiếp tục tin như trước. Cuối cùng, khi đã nghe nhiều bài giảng, họ vẫn nói y một điều: “Dù sao đi nữa tôi cũng là một tín hữu chân chính, nhân tính của tôi không tệ, tôi không cố ý hành ác, tôi có thể từ bỏ mọi thứ, tôi có thể chịu đựng gian khổ và sẵn lòng trả giá vì đức tin của mình. Đức Chúa Trời sẽ không từ bỏ tôi”. Đây chẳng phải giống như cách Phao-lô đã nói: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin: Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta”? Đây là kiểu thái độ của mọi người. Tâm tính đằng sau thái độ như vậy là gì? Cố chấp.

– Mưu cầu lẽ thật là gì (1), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật

Nếu con người có lương tâm và lý trí, và khao khát lẽ thật, nhưng họ chưa bao giờ biết phản tỉnh và xoay chuyển sau khi phạm sai lầm, thay vào đó họ lại tin rằng quá khứ đã qua và cảm thấy chắc chắn rằng họ không sai, thì điều này thể hiện loại tâm tính gì? Loại hành vi gì? Thực chất của hành vi đó là gì? (Thưa, là cương ngạnh.) Những người như thế rất cương ngạnh và dù bất kỳ chuyện gì xảy ra thì đó vẫn là con đường họ sẽ đi theo. Đức Chúa Trời không thích những người như thế. Giô-na đã nói gì khi bày tỏ lời Đức Chúa Trời cho dân thành Ni-ni-ve? (“Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” (Giô-na 3:4).) Người dân thành Ni-ni-ve đã phản ứng thế nào trước những lời này? Khi thấy rằng Đức Chúa Trời sắp hủy diệt mình, họ đã vội vã cầm lấy bao gai và tro, rồi xưng nhận tội lỗi của mình với Ngài và từ bỏ con đường tà ác. Đây là ý nghĩa của việc ăn năn. Nếu con người có thể ăn năn, thì nó mang đến cho con người một cơ hội lớn lao. Đó là cơ hội gì? Đó là cơ hội tiếp tục sống. Nếu không có sự ăn năn thực sự, thì sẽ khó có thể tiếp tục tiến về phía trước, cho dù trong việc thực hiện bổn phận của mình hay trong việc mưu cầu sự cứu rỗi. Ở mỗi giai đoạn – cho dù khi Đức Chúa Trời đang sửa dạy hoặc sửa phạt ngươi, hay khi Ngài đang nhắc nhở và khuyên giục ngươi – nếu như ngươi phát sinh mâu thuẫn với Đức Chúa Trời, mà ngươi vẫn không quay đầu, và tiếp tục bám vào những ý tưởng, quan điểm và thái độ của riêng mình, thì mặc dù bước chân ngươi đang tiến về phía trước, thì mâu thuẫn giữa ngươi và Đức Chúa Trời, sự hiểu lầm, oán trách và phản nghịch của ngươi đối với Đức Chúa Trời vẫn chưa được khắc phục, và lòng ngươi không xoay chuyển. Về phần Đức Chúa Trời, Ngài sẽ đào thải ngươi ra. Mặc dù ngươi chưa buông bỏ bổn phận trong tay mình, ngươi vẫn giữ bổn phận của mình cũng như có một chút trung thành với những gì Đức Chúa Trời đã ủy nhiệm, và mọi người xem điều này là có thể chấp nhận được, nhưng mối bất hòa giữa ngươi và Đức Chúa Trời đã hình thành một nút thắt vĩnh viễn. Ngươi đã không sử dụng lẽ thật để giải quyết nó và có được hiểu biết thật sự về tâm ý của Đức Chúa Trời. Kết quả là sự hiểu lầm của ngươi về Đức Chúa Trời ngày càng sâu, và ngươi luôn nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã sai và ngươi đang bị đối xử bất công. Như thế nghĩa là ngươi chưa quay đầu. Sự phản nghịch, quan niệm và sự hiểu lầm của ngươi về Đức Chúa Trời vẫn còn dai dẳng, và điều này khiến ngươi có tâm thái không thuận phục, luôn luôn phản nghịch và chống đối Đức Chúa Trời. Chẳng phải hạng người này là người phản nghịch Đức Chúa Trời, chống đối Đức Chúa Trời và ngoan cố không chịu ăn năn sao? Tại sao Đức Chúa Trời lại coi trọng việc con người thay đổi? Một loài thọ tạo nên nghĩ về Đấng Tạo Hóa với thái độ nào? Một thái độ thừa nhận rằng bất kể Đấng Tạo Hóa làm gì thì Ngài đều đúng. Nếu ngươi không thừa nhận điều này, thì việc Đấng Tạo Hóa là lẽ thật, là đường đi và sự sống sẽ chỉ là những lời nói suông đối với ngươi. Nếu là trường hợp như vậy, ngươi vẫn có thể đạt được sự cứu rỗi chứ? Ngươi không thể. Ngươi sẽ không đủ tư cách; Đức Chúa Trời không cứu rỗi những người như ngươi.

– Chỉ bằng cách giải quyết những quan niệm của mình thì mới có thể tiến vào đúng hướng của đức tin nơi Đức Chúa Trời (3), Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Có một số người luôn phải chịu sự kìm kẹp của chúng và cho rằng, “Đức Chúa Trời không thể tha thứ cho những chuyện xúc phạm đến tâm tính của Ngài. Trong lòng Đức Chúa Trời đã ghét bỏ tôi từ lâu, tôi có tiếp tục mưu cầu lẽ thật đi nữa thì cũng vô ích thôi”. Thái độ này là gì? Đây gọi là nghi kỵ Đức Chúa Trời và hiểu lầm Ngài. Thực ra, trước khi làm ra những chuyện xúc phạm đến tâm tính của Đức Chúa Trời, ngươi đã có thái độ không cung kính, khinh mạn và qua loa chiếu lệ đối với Ngài. Ngươi không coi Ngài là Đức Chúa Trời. Con người thường bộc lộ tâm tính Sa-tan vì nhất thời ngu muội hoặc bốc đồng, cũng không có ai sửa dạy hay ngăn cản họ, vì thế mà họ sẽ có vi phạm. Sau khi có vi phạm và gây ra hậu quả, họ vẫn không biết hối cải mà còn cảm thấy khó chịu trong lòng, vẫn canh cánh trong lòng về kết cục và đích đến sau này của mình. Họ giữ tất cả những điều này trong lòng, và luôn cảm thấy rằng: “Tôi đã xong đời và bị bỏ phế rồi, vậy thì tôi sẽ sống bất cần. Nếu một ngày nào đó, Đức Chúa Trời không muốn tôi và hoàn toàn chán ghét tôi, thì cùng lắm là tôi sẽ chết thôi, tôi thuận theo sự sắp đặt của Đức Chúa Trời”. Ngoài mặt, họ nói mình sẽ tuân theo sự sắp đặt của Đức Chúa Trời và thuận phục sự an bài và tể trị của Ngài, nhưng thật ra tình trạng bên trong của họ là gì? Đó là kháng cự, cương ngạnh, không hối cải. Không hối cải có nghĩa là gì? Nghĩa là họ vẫn khăng khăng giữ ý kiến của mình, cho dù Đức Chúa Trời có phán gì thì họ cũng không tin, không tiếp nhận và luôn cho rằng: “Những lời khích lệ và an ủi của Đức Chúa Trời không phải dành cho tôi mà dành cho người khác. Tôi đã xong đời rồi, tôi chỉ là một cái bình đã bể và không đáng một xu, Đức Chúa Trời đã không muốn tôi từ lâu rồi. Dù tôi có xưng tội, cầu nguyện hay rơi nước mắt ăn năn như thế nào đi nữa thì Đức Chúa Trời cũng sẽ không cho tôi cơ hội nữa”. Trong lòng họ đánh giá và suy đoán về Đức Chúa Trời như vậy, đây là thái độ gì? Đây có phải là thái độ nhận tội và hối cải không? Rõ ràng là không. Thái độ này thể hiện một loại tâm tính – cương ngạnh, vô cùng cương ngạnh. Bên ngoài, họ có vẻ tự cho mình là đúng, không nghe lời ai, đạo lý gì cũng hiểu nhưng lại không chịu thực hành, trên thực tế thì đây chính là tâm tính cương ngạnh. Từ góc độ của Đức Chúa Trời, sự cương ngạnh này là thuận phục hay phản nghịch Ngài? Đây rõ ràng là sự phản nghịch. Họ còn cảm thấy rằng mình đã chịu oan khuất biết bao: “Trước đây tôi yêu kính Đức Chúa Trời biết bao, vậy mà tôi chỉ phạm một chút sai lầm nhỏ mà Ngài không chịu bỏ qua, và giờ thì kết cục của tôi đã không còn nữa. Đức Chúa Trời đã quy định những người như tôi chính là Phao-lô”. Đức Chúa Trời có phán rằng ngươi là Phao-lô không? Ngài không phán điều đó, vậy tại sao ngươi lại cho rằng mình là Phao-lô? Ngươi nói mình sắp bị Đức Chúa Trời đánh giết, sắp phải chịu trừng phạt, và sẽ phải xuống địa ngục. Kết cục này là ai quy định? Rõ ràng đó là quy định của chính ngươi. Đức Chúa Trời không phán rằng sau khi công tác của Ngài kết thúc, ngươi là đối tượng sẽ phải xuống địa ngục và không được vào thiên quốc. Chỉ cần một ngày Đức Chúa Trời không nói rằng Ngài ghét bỏ ngươi, thì ngươi vẫn có cơ hội và quyền được mưu cầu lẽ thật, và ngươi nên tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của lời Đức Chúa Trời. Ngươi phải có thái độ như vậy. Đây mới chính là thái độ tiếp nhận lẽ thật và tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, đây mới chính là thái độ hối cải thật sự. Ngươi luôn cố sống cố chết bám vào những quan niệm, tưởng tượng và sự hiểu lầm của mình mà không chịu buông bỏ, bị những thứ này lấp đầy và chiếm hữu, lại còn quy định rằng Đức Chúa Trời sẽ không cứu rỗi ngươi. Rồi thì trong quá trình thực hiện bổn phận của mình, ngươi có tâm thái qua loa chiếu lệ và bất cần, tiêu cực và bị động, tâm thái sống ngày nào hay ngày đó và tâm thái hồ đồ, vậy thì liệu ngươi có thể đạt được lẽ thật không? Với tâm thái sống như vậy thì ngươi sẽ không thể đạt được lẽ thật và sẽ không thể được cứu rỗi. Người như vậy có đáng thương không? (Thưa, có.) Điều gì khiến họ trở nên đáng thương như vậy? Chính là vì sự ngu muội. Họ không tìm kiếm lẽ thật khi gặp chuyện, mà lại luôn nghiên cứu và suy đoán, còn muốn thăm dò lời Đức Chúa Trời để tìm xem những lời nào của Ngài là đề cập đến chuyện của họ, thái độ của Đức Chúa Trời là gì, Ngài định luận như thế nào và kết cục của họ sẽ ra sao. Họ dùng những điều này để xác định kết quả của chuyện đó là gì. Cách làm này có phải là đang tìm kiếm lẽ thật không? Chắc chắn là không phải. Họ đổ những lời định tội và rủa sả của Đức Chúa Trời lên đầu mình và sống trong sự tiêu cực. Nhìn bề ngoài thì có vẻ đó là sự yếu đuối, hèn nhát và tiêu cực, nhưng thực ra đó là một kiểu đối kháng. Tâm tính đằng sau sự đối kháng này là gì? Chính là sự cương ngạnh. Từ góc độ của Đức Chúa Trời, sự cương ngạnh này là một loại phản nghịch, và đó là điều Đức Chúa Trời ghê tởm nhất.

– Mưu cầu lẽ thật thì mới có thể giải quyết quan niệm và hiểu lầm về Đức Chúa Trời, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Các ngươi có biết dạng người nào cuối cùng bị Đức Chúa Trời từ bỏ không? (Thưa, là những người liên tục cương ngạnh và không chịu ăn năn trước Đức Chúa Trời.) Tình trạng cụ thể của những người này là gì? (Thưa, khi thực hiện bổn phận, họ luôn qua loa chiếu lệ, khi gặp vấn đề thì họ không tìm kiếm lẽ thật để giải quyết. Họ không sốt sắng về cách mà họ phải thực hành lẽ thật, và cứ qua loa chiếu lệ. Họ bằng lòng với việc không làm việc ác hay việc xấu, và họ không nỗ lực vì lẽ thật.) Hành vi qua loa chiếu lệ thì tùy thuộc vào hoàn cảnh. Có người làm thế vì họ không hiểu lẽ thật, họ còn nghĩ rằng qua loa chiếu lệ là bình thường. Có người cố ý qua loa chiếu lệ, chủ tâm chọn hành động theo cách như thế. Họ hành động như thế khi họ không hiểu lẽ thật, và thậm chí sau khi hiểu lẽ thật rồi, họ vẫn không cải thiện hành vi của mình. Họ không thực hành lẽ thật, trước sau vẫn hành động như thế mà không hề có chút thay đổi nào. Khi có người phê bình, họ không chịu lắng nghe, cũng không chịu tiếp nhận bị tỉa sửa. Thay vào đó, họ ngoan cố giữ lập trường của mình cho đến cùng. Điều này gọi là gì? Gọi là cương ngạnh. Ai cũng biết rằng “cương ngạnh” là một từ tiêu cực, một từ xúc phạm. Nó không phải là một từ tốt. Vậy các ngươi nói xem, nếu từ “cương ngạnh” được áp dụng cho người ta và họ hợp với mô tả này, vậy kết cục của họ sẽ là gì? (Thưa, họ sẽ bị Đức Chúa Trời ghét bỏ và gạt sang một bên.) Để Ta nói cho các ngươi nghe, điều mà Đức Chúa Trời khinh miệt nhất và muốn từ bỏ nhất chính là những dạng người cương ngạnh này. Họ biết sai mà không ăn năn, không bao giờ nhận mình sai, mà cứ viện cớ, viện lý do để thoát tội, ngụy biện, dùng cách thức ma lanh, bịt mắt người khác, liên tục phạm lỗi mà không hề có lòng ăn năn và nhận sai. Người như thế rất phiền phức và không dễ để họ đạt được ơn cứu rỗi. Họ chính là những người mà Đức Chúa Trời muốn ruồng bỏ. Tại sao Đức Chúa Trời ruồng bỏ những người như thế? (Thưa, bởi vì họ không hề tiếp nhận lẽ thật chút nào và lương tâm của họ đã trở nên tê liệt.) Những người như thế không thể được cứu rỗi. Đức Chúa Trời không cứu rỗi những người này, Ngài không làm một việc vô ích như thế. Nhìn bề ngoài, có vẻ như Đức Chúa Trời không cứu rỗi họ và không muốn họ, nhưng thật ra, có một lý do thực tế cho chuyện này, là những người này không tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, họ cự tuyệt và chống đối sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Họ nghĩ: “Tôi thuận phục Ngài, tiếp nhận và thực hành lẽ thật thì tôi đạt được gì chứ? Có lợi gì không? Có lợi cho tôi thì tôi mới làm. Nếu không có lợi thì tôi không làm”. Những người này là dạng người gì? Họ là những người bị thúc đẩy bởi tư lợi, những người không yêu mến lẽ thật đều bị thúc đẩy bởi tư lợi. Những người bị thúc đẩy bởi tư lợi thì không thể tiếp nhận lẽ thật. Với người bị thúc đẩy bởi tư lợi mà ngươi cố thông công về lẽ thật với họ và bảo họ biết mình, thừa nhận sai trái, thì họ sẽ phản ứng thế nào? “Thừa nhận sai trái của mình thì tôi được lợi ích gì? Nếu anh bắt tôi thừa nhận mình đã làm sai gì đó, bắt tôi thú nhận tội lỗi và ăn năn, thì tôi sẽ nhận được phước lành gì? Danh tiếng và lợi ích của tôi sẽ bị tổn hại. Tôi sẽ chịu mất mát. Ai sẽ bù đắp cho tôi đây?”. Tâm lý của họ là vậy. Họ chỉ tìm kiếm lợi ích cá nhân, cảm thấy hành động theo một cách nhất định nào đó để nhận được phước lành của Đức Chúa Trời là chuyện rất mơ hồ. Đơn giản là họ không tin chuyện đó khả dĩ, họ chỉ tin những gì mà họ tận mắt thấy thôi. Những người như thế bị thúc đẩy bởi tư lợi, và họ sống theo triết lý Sa-tan “Người không vì mình, trời tru đất diệt”. Đây là thực chất bản tính của họ. Trong lòng họ cho rằng công nhận Đức Chúa Trời và lẽ thật thì nghĩa là họ tin Đức Chúa Trời. Họ chấp nhận được chuyện không làm việc ác, nhưng họ phải được lợi và tuyệt đối không bị tổn thất gì. Chỉ khi lợi ích của họ không bị ảnh hưởng thì họ mới bàn đến chuyện thực hành lẽ thật và thuận phục Đức Chúa Trời. Nếu lợi ích của họ bị tổn hại, họ không thể thực hành lẽ thật hay thuận phục Đức Chúa Trời. Bảo họ dâng mình, chịu khổ hay trả giá vì Đức Chúa Trời thì càng bất khả thi hơn. Những người như thế không thành tâm tin Đức Chúa Trời. Họ sống vì lợi ích bản thân, chỉ tìm kiếm phước lành và lợi ích, không sẵn lòng chịu khổ hay trả giá, nhưng lại muốn có chỗ trong nhà Đức Chúa Trời để thoát khỏi kết cục của cái chết. Những người như thế không hề tiếp nhận lẽ thật chút nào và không thể được Đức Chúa Trời cứu rỗi. Đức Chúa Trời vẫn có thể cứu rỗi họ chứ? Chắc chắn Đức Chúa Trời ghét bỏ họ và đào thải họ. Như thế nghĩa là Đức Chúa Trời không cứu rỗi họ sao? Chính họ đã tự ruồng bỏ bản thân mình. Họ không nỗ lực hướng đến lẽ thật, không cầu nguyện với Đức Chúa Trời, không cậy dựa Ngài, thì làm sao Đức Chúa Trời có thể cứu rỗi họ chứ? Cách duy nhất là từ bỏ họ, gạt họ sang một bên và để họ tự phản tỉnh bản thân. Nếu người ta muốn được cứu rỗi, cách duy nhất cho họ là tiếp nhận lẽ thật, biết mình, thực hành ăn năn và sống thể hiện ra thực tế lẽ thật. Theo cách này, họ có thể được Đức Chúa Trời chấp thuận. Họ phải thực hành lẽ thật để có thể thuận phục và kính sợ Đức Chúa Trời, đây vốn là mục đích tối hậu của sự cứu rỗi. Thuận phục và kính sợ Đức Chúa Trời phải được thể hiện ra và sống thể hiện ra nơi con người. Nếu ngươi không bước đi con đường mưu cầu lẽ thật, thì không còn con đường nào khác để ngươi chọn. Nếu người ta không bước theo con đường này, chỉ có thể nói rằng họ không tin lẽ thật có thể cứu rỗi họ. Họ không tin rằng mọi lời Đức Chúa Trời phán có thể biến đổi họ và khiến họ trở thành một con người chân chính. Hơn nữa, về căn bản, họ không tin Đức Chúa Trời là lẽ thật, cũng không tin vào sự thật rằng lẽ thật có thể thay đổi và cứu rỗi con người. Do đó, bất kể ngươi mổ xẻ thế nào, lòng của người như thế cũng quá cương ngạnh. Dù có thế nào họ cũng không chịu tiếp nhận lẽ thật và họ không thể được cứu rỗi.

– Khi tin Đức Chúa Trời, điều quan trọng nhất là thực hành và trải nghiệm lời Ngài, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Tâm tính cố chấp có khó thay đổi không? Có con đường để thay đổi không? Phương pháp đơn giản và trực tiếp nhất là biến chuyển thái độ của ngươi đối với lời Đức Chúa Trời và đối với chính Đức Chúa Trời. Làm thế nào ngươi có thể biến chuyển những điều này? Bằng cách mổ xẻ và nhận biết các trạng thái và tư duy nảy sinh từ thái độ cố chấp của ngươi, và bằng cách xem xét những hành động và lời nói nào của ngươi, những quan điểm và ý định nào ngươi bám vào, và thậm chí cụ thể là những suy nghĩ, tư tưởng nào ngươi bộc lộ, đang bị ảnh hưởng bởi tâm tính cố chấp của ngươi. Hãy xem xét và giải quyết những hành vi, biểu hiện và trạng thái này, từng cái một, rồi xoay chuyển chúng – ngay khi ngươi xem xét và phát hiện ra điều gì đó, hãy nhanh chóng xoay chuyển điều đó. Chẳng hạn, chúng ta vừa nói về việc hành động dựa trên ý thích và tâm trạng của mình, đó là tính thất thường. Tâm tính thất thường chứa đặc tính chán ghét lẽ thật. Nếu ngươi nhận ra mình là loại người như vậy, với kiểu tâm tính bại hoại đó, và ngươi không phản tỉnh bản thân hay tìm kiếm lẽ thật để giải quyết nó, cố chấp nghĩ rằng ngươi vẫn ổn, thì đó là sự cố chấp. Sau bài giảng này, ngươi có thể chợt nhận ra: “Mình đã nói những điều như thế, và mình có những quan điểm như thế. Tâm tính này của mình là tâm tính chán ghét lẽ thật. Vì đúng như vậy nên mình sẽ bắt đầu giải quyết tâm tính đó”. Sau đó, ngươi bắt đầu giải quyết nó như thế nào? Hãy bắt đầu bằng cách buông bỏ cảm giác cao siêu hơn, tính thất thường và tính độc đoán của ngươi; bất kể tâm trạng ngươi tốt hay xấu, hãy xem những yêu cầu của Đức Chúa Trời là gì. Nếu ngươi có thể chống lại xác thịt và thực hành theo yêu cầu của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ nhìn nhận ngươi như thế nào? Nếu ngươi thực sự có thể bắt đầu giải quyết những hành vi bại hoại này, đó là dấu hiệu cho thấy ngươi đang tích cực và chủ động hợp tác với công tác của Đức Chúa Trời. Ngươi sẽ chủ tâm chống lại và giải quyết tâm tính chán ghét lẽ thật đó, đồng thời, ngươi sẽ giải quyết tâm tính cố chấp của mình. Khi ngươi đã giải quyết được cả hai tâm tính bại hoại này, ngươi sẽ có thể thuận phục và làm thỏa lòng Đức Chúa Trời, và điều này sẽ làm đẹp lòng Ngài.

– Mưu cầu lẽ thật là gì (1), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật

Tính cố chấp là vấn đề của tâm tính bại hoại; đó là một điều gì đó trong bản tính của con người, và không dễ giải quyết. Khi một người có tâm tính cố chấp, nó chủ yếu biểu hiện ở khuynh hướng đưa ra những lời biện minh và lập luận nghe có vẻ hợp lý, bám chặt vào ý kiến riêng của mình và không dễ dàng tiếp nhận cái mới. Có những lúc người ta biết ý kiến của mình là sai, nhưng vẫn cố bám lấy vì hư danh và thể diện, cố chấp đến cùng. Tâm tính cố chấp như vậy rất khó biến chuyển, ngay cả khi người ta nhận thức được điều đó. Để giải quyết vấn đề tính cố chấp, người ta phải nhận biết được tính kiêu ngạo, giả dối, xấu xa, chán ghét lẽ thật và những tâm tính khác như vậy của con người. Khi người ta nhận biết được tính kiêu ngạo, giả dối, xấu xa của chính họ, rằng họ chán ghét lẽ thật, rằng họ không muốn chống lại xác thịt mặc dù muốn thực hành lẽ thật, rằng họ luôn viện cớ và thanh minh những khó khăn của mình mặc dù muốn thuận phục Đức Chúa Trời, thì họ sẽ dễ dàng nhận ra mình có vấn đề ở tính cố chấp. Để giải quyết vấn đề này, trước tiên người ta phải sở hữu ý thức bình thường của con người và bắt đầu bằng cách học cách lắng nghe lời Đức Chúa Trời. Nếu ngươi muốn trở thành chiên của Đức Chúa Trời, ngươi phải học cách lắng nghe lời Ngài. Và ngươi nên lắng nghe chúng như thế nào? Bằng cách lắng nghe bất kỳ vấn đề nào Đức Chúa Trời phơi bày trong lời Ngài có liên quan đến ngươi. Nếu ngươi tìm thấy vấn đề nào, ngươi phải tiếp nhận nó; ngươi không được tưởng rằng đó là vấn đề của người khác, đó là vấn đề của mọi người, hay vấn đề của nhân loại, và không liên quan gì đến ngươi. Nếu ngươi tưởng như vậy là sai. Ngươi phải suy ngẫm, thông qua sự mặc khải của lời Đức Chúa Trời, xem liệu mình có những tình trạng bại hoại hay quan điểm lệch lạc mà Đức Chúa Trời đang vạch trần hay không. Chẳng hạn như khi ngươi nghe lời Đức Chúa Trời phơi bày những biểu hiện của tâm tính kiêu ngạo bộc lộ từ ai đó, ngươi phải tự nghĩ: “Mình có biểu hiện của sự kiêu ngạo không? Mình là một con người bại hoại, nên ắt phải có một số biểu hiện đó; mình phải phản tỉnh xem mình làm thế ở đâu. Mọi người nói mình kiêu ngạo, luôn tỏ ra cao ngạo, chèn ép mọi người khi nói chuyện. Đó có thực sự là tâm tính của mình không?”. Thông qua phản tỉnh, cuối cùng ngươi sẽ nhận ra rằng sự mặc khải của lời Đức Chúa Trời hoàn toàn chính xác – rằng ngươi là một người kiêu ngạo. Và vì sự mặc khải của lời Đức Chúa Trời hoàn toàn chính xác, vì nó hoàn toàn phù hợp với tình trạng của ngươi không chút sai lệch nào, thậm chí còn dường như chính xác hơn khi phản tỉnh thêm, nên ngươi phải tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của lời Ngài, đồng thời phân định và nhận biết được thực chất tâm tính bại hoại của mình theo lời Ngài. Khi đó ngươi sẽ có thể cảm thấy hối hận thực sự. Khi tin Đức Chúa Trời, chỉ bằng cách ăn uống lời Ngài theo cách này, ngươi mới có thể đi đến chỗ biết mình. Để giải quyết tâm tính bại hoại của mình, ngươi phải tiếp nhận sự phán xét và vạch trần của lời Đức Chúa Trời. Nếu ngươi không thể làm thế, sẽ không có cách nào để ngươi loại bỏ được những tâm tính bại hoại của mình. Nếu ngươi là một người khôn ngoan thấy rằng sự mặc khải của lời Đức Chúa Trời nói chung là chính xác, hoặc nếu ngươi có thể thừa nhận nó đúng một nửa, thì ngươi phải ngay lập tức tiếp nhận những lời ấy và thuận phục trước Đức Chúa Trời. Ngươi cũng phải cầu nguyện với Ngài và phản tỉnh bản thân mình. Chỉ khi đó ngươi mới hiểu rằng tất cả những lời mặc khải của Đức Chúa Trời đều chính xác, rằng chúng đều là sự thật, và thực sự là thế. Chỉ bằng cách thuận phục trước Đức Chúa Trời với tấm lòng kính sợ Ngài, con người mới có thể thực sự phản tỉnh bản thân mình. Chỉ khi đó họ mới có thể nhìn thấy đủ loại tâm tính bại hoại tồn tại trong họ, rằng họ thực sự kiêu ngạo và tự cho mình là đúng, không có một chút ý thức nào. Nếu ai đó là người yêu lẽ thật, họ sẽ có thể phủ phục trước Đức Chúa Trời, thừa nhận với Ngài rằng họ đã bị làm cho bại hoại sâu sắc, và có ý chí tiếp nhận sự phán xét cùng hình phạt của Ngài. Bằng cách này, họ có thể nảy sinh lòng hối hận, bắt đầu chối bỏ, căm ghét bản thân mình, và hối tiếc vì trước đây không mưu cầu lẽ thật, nghĩ rằng: “Tại sao mình lại không thể tiếp nhận sự phán xét và hình phạt của lời Đức Chúa Trời khi mới bắt đầu đọc nhỉ? Thái độ này của mình đối với lời Ngài là thái độ kiêu ngạo, chẳng phải sao? Sao mình lại có thể ngạo mạn đến thế?”. Sau khi thường xuyên phản tỉnh theo cách này một thời gian, họ sẽ nhận ra rằng họ thực sự kiêu ngạo, rằng họ không hoàn toàn có khả năng thừa nhận lời Đức Chúa Trời là lẽ thật và sự thật, và rằng họ thực sự không có một chút ý thức nào. Nhưng thật khó để biết mình. Mỗi khi phản tỉnh, người ta chỉ có thể biết mình thêm một chút và sâu hơn một chút. Để có được hiểu biết rõ ràng về một tâm tính bại hoại không phải là điều có thể đạt được trong một khoảng thời gian ngắn; người ta phải đọc thêm nhiều lời Đức Chúa Trời hơn, cầu nguyện nhiều hơn và phản tỉnh bản thân nhiều hơn. Chỉ như vậy họ mới có thể dần dần biết được chính mình. Tất cả những ai thực sự biết mình đều đã từng thất bại và vấp ngã vài lần trong quá khứ, sau đó họ đọc lời Đức Chúa Trời, cầu nguyện với Ngài và phản tỉnh bản thân, từ đó nhận ra rõ ràng lẽ thật về sự bại hoại của bản thân, đồng thời cảm nhận được họ thực sự đã bị làm cho bại hoại sâu sắc, và hoàn toàn không có thực tế lẽ thật. Nếu ngươi trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời như thế này, và ngươi cầu nguyện với Ngài, tìm kiếm lẽ thật khi có chuyện xảy đến, thì dần dần ngươi sẽ biết được chính mình. Rồi một ngày, cuối cùng ngươi cũng sáng tỏ trong lòng rằng: “Mình có thể có tố chất tốt hơn người khác một chút, nhưng đó là do Đức Chúa Trời ban cho. Mình luôn khoe khoang, cố vượt hơn người khác khi nói chuyện và cố khiến mọi người làm theo ý mình. Mình thực sự thiếu ý thức – đây là sự kiêu ngạo và tự cho mình là đúng! Qua phản tỉnh, mình đã biết được tâm tính kiêu ngạo của bản thân. Đây chính là sự khai sáng và ân điển của Đức Chúa Trời, mình cảm tạ Ngài vì điều đó!”. Biết về tâm tính bại hoại của chính mình là điều tốt hay điều xấu? (Thưa, là điều tốt.) Từ đây, ngươi phải tìm cách nói năng và hành động có ý thức và thuận phục, cách đứng ngang hàng với người khác, cách đối xử công bằng với người khác mà không gò ép họ, cách đánh giá đúng tố chất, ân tứ, điểm mạnh của mình và v.v. Theo cách này, giống như một ngọn núi bị đập thành cát bụi, từng nhát búa một, tâm tính kiêu ngạo của ngươi sẽ được giải quyết. Sau đó, khi ngươi tương tác với người khác hoặc phối hợp với họ để thực hiện một bổn phận, ngươi sẽ có thể đối xử đúng với quan điểm của họ và cẩn thận, chú ý khi lắng nghe họ. Và khi ngươi nghe họ nêu lên một quan điểm đúng đắn, ngươi sẽ phát hiện ra rằng: “Có vẻ như tố chất của mình không phải là giỏi nhất. Thực tế là mọi người đều có thế mạnh riêng; họ không thua kém mình chút nào. Trước đây, mình luôn nghĩ mình có tố chất tốt hơn người khác. Đó là sự tự ngưỡng mộ và ngu dốt thiển cận. Mình đã có một quan điểm rất hạn hẹp, giống như ếch ngồi đáy giếng vậy. Suy nghĩ như vậy thực sự thiếu lý trí – thật vô liêm sỉ! Mình đã bị tâm tính kiêu ngạo của mình bịt mắt, bịt tai. Lời nói của người khác không lọt vào tai mình, và mình nghĩ rằng mình giỏi hơn họ, rằng mình đúng, trong khi thực tế mình không hơn bất kỳ ai cả!”. Từ đó trở đi, ngươi sẽ có cái nhìn sâu sắc và hiểu biết thực sự về những khiếm khuyết và vóc giạc nhỏ bé của mình. Và sau đó, khi thông công với người khác, ngươi sẽ lắng nghe kỹ quan điểm của họ và sẽ nhận ra rằng: “Có rất nhiều người giỏi hơn mình. Tố chất và năng lực lĩnh hội của mình cùng lắm đều ở mức trung bình thôi”. Khi nhận ra điều này, chẳng phải ngươi sẽ đạt được một chút nhận thức về bản thân mình sao? Bằng cách trải nghiệm điều này và thường xuyên phản tỉnh bản thân theo lời Đức Chúa Trời, ngươi sẽ có thể đạt được sự hiểu biết thực sự về bản thân ngày càng sâu sắc hơn. Ngươi sẽ có thể nhìn thấu sự thật về sự bại hoại, sự nghèo nàn và thảm hại, sự xấu xí tệ hại của mình, và lúc đó, ngươi sẽ chán ghét chính bản thân mình và căm ghét tâm tính bại hoại của mình. Sau đó, ngươi sẽ dễ dàng chống lại bản thân. Đó là cách ngươi trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời. Ngươi phải phản tỉnh về việc bộc lộ sự bại hoại của mình dựa theo lời Đức Chúa Trời. Đặc biệt là sau khi bộc lộ tâm tính bại hoại trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngươi phải thường xuyên phản tỉnh và tự biết mình. Khi đó, ngươi sẽ dễ dàng thấy rõ thực chất bại hoại của mình, và từ đáy lòng mình, ngươi sẽ có thể căm ghét sự bại hoại, xác thịt của mình cũng như Sa-tan. Và từ đáy lòng mình, ngươi sẽ có thể yêu và phấn đấu để đạt được lẽ thật. Theo cách này, tâm tính kiêu ngạo của ngươi sẽ ngày càng giảm bớt, và ngươi sẽ dần dần loại bỏ được nó. Ngươi sẽ ngày càng có lý trí hơn, và ngươi sẽ dễ dàng thuận phục Đức Chúa Trời hơn. Trong mắt người khác, ngươi có vẻ kiên định và vững vàng hơn, và có vẻ ngươi nói chuyện khách quan hơn. Ngươi sẽ có khả năng lắng nghe người khác, và ngươi sẽ để cho họ có thời gian nói. Khi người khác đúng, ngươi sẽ dễ dàng tiếp nhận lời họ, và sự tương tác của ngươi với mọi người sẽ không quá khó khăn. Ngươi sẽ có thể hợp tác hài hòa với bất kỳ ai. Nếu đây là cách ngươi thực hiện bổn phận của mình, chẳng phải khi đó ngươi sẽ có lý trí và nhân tính sao? Đó là cách giải quyết loại tâm tính bại hoại này.

– Mưu cầu lẽ thật là gì (1), Lời, Quyển 6 – Về việc mưu cầu lẽ thật

Chẳng hạn như tâm tính cương ngạnh: lúc đầu, khi chưa có sự thay đổi nào trong tâm tính thì ngươi không hiểu lẽ thật, cũng không biết rằng mình có tâm tính cương ngạnh, và khi nghe lẽ thật, ngươi thầm nghĩ: “Sao lẽ thật lại có thể luôn phơi bày những vết sẹo của con người được nhỉ?”. Sau khi nghe xong, ngươi cảm thấy những lời của Đức Chúa Trời là đúng, nhưng nếu sau một, hai năm, ngươi không khắc ghi vào lòng bất kỳ điều nào trong số đó, nếu ngươi không tiếp nhận bất kỳ điều nào trong số đó, thì đây là sự cương ngạnh, chẳng phải sao? Nếu sau hai, ba năm mà ngươi vẫn không tiếp nhận chút nào, nếu tình trạng bên trong ngươi không thay đổi chút nào, và dù ngươi không trễ nải trong việc thực hiện bổn phận và đã chịu khổ không ít, nhưng tình trạng cương ngạnh của ngươi vẫn không được giải quyết hay giảm bớt chút nào, thì liệu đã có bất kỳ thay đổi nào trong khía cạnh này của tâm tính ngươi chưa? (Thưa, chưa.) Vậy tại sao ngươi lại bôn ba và công tác làm gì? Bất kể vì lý do gì, ngươi cũng đang bôn ba và công tác một cách mù quáng, bởi vì ngươi đã bôn ba và công tác nhiều như vậy, nhưng tâm tính ngươi vẫn chưa có một chút thay đổi nào. Cho đến một ngày, ngươi đột nhiên tự nhủ: “Sao mình lại không thể nói dù chỉ một lời chứng ngôn nhỉ? Tâm tính sự sống của mình chưa hề thay đổi”. Lúc này ngươi mới cảm thấy vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào, và ngươi thầm nghĩ: “Mình thật sự phản nghịch và cương ngạnh! Mình không phải là người mưu cầu lẽ thật! Trong lòng mình không có chỗ cho Đức Chúa Trời! Sao có thể gọi đây là tin Đức Chúa Trời được? Mình đã tin Đức Chúa Trời mấy năm rồi mà vẫn không sống thể hiện ra hình tượng con người, lòng mình cũng chẳng gần Đức Chúa Trời! Mình không khắc cốt ghi tâm lời Đức Chúa Trời, cũng chẳng có ý thức tự trách mình hay chiều hướng ăn năn khi làm điều sai trái – đây chẳng phải là cương ngạnh sao? Mình chẳng phải là đứa con phản nghịch sao?”. Lòng ngươi cảm thấy khó chịu. Và việc ngươi cảm thấy khó chịu nghĩa là gì? Nghĩa là ngươi muốn ăn năn. Ngươi ý thức được sự cương ngạnh và phản nghịch của bản thân. Và lúc này, tâm tính ngươi bắt đầu thay đổi. Tự lúc nào không hay, trong ý thức của ngươi có những suy nghĩ và mong muốn nhất định rằng ngươi muốn thay đổi, và ngươi bỗng nhiên không còn thấy bế tắc với Đức Chúa Trời nữa. Ngươi bỗng cảm thấy muốn cải thiện mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời, không còn quá cương ngạnh nữa, có thể đưa lời Đức Chúa Trời vào thực hành trong cuộc sống thực tế, có thể thực hành chúng như các nguyên tắc lẽ thật – ngươi có ý thức này. Có ý thức như thế là tốt, nhưng như vậy nghĩa là ngươi sẽ có thể thay đổi ngay lập tức sao? (Thưa, không thể.) Ngươi phải có vài năm trải nghiệm nữa, trong thời gian đó, ý thức trong lòng ngươi sẽ ngày càng rõ hơn, ngươi sẽ có một nhu cầu mạnh mẽ, và trong lòng ngươi sẽ nghĩ: “Như thế này là không ổn – mình không được lãng phí thời gian nữa. Mình phải mưu cầu lẽ thật, phải làm điều gì đó đúng đắn. Trước đây, mình đã không chuyên tâm vào việc chính đáng, chỉ nghĩ đến những thứ vật chất như cơm ăn áo mặc, chỉ mưu cầu danh lợi. Kết quả là mình chưa hề đạt được lẽ thật nào cả. Hối hận quá, phải ăn năn thôi!”. Lúc này, ngươi bắt đầu bước đi trên con đường đúng đắn của đức tin nơi Đức Chúa Trời. Chỉ cần con người bắt đầu chú trọng thực hành lẽ thật là chẳng phải họ có thể tiến gần hơn một bước tới sự thay đổi trong tâm tính mình sao? Bất kể đã tin vào Đức Chúa Trời bao lâu, nếu ngươi có thể cảm nhận được sự mụ mị của chính mình – rằng ngươi chỉ sống cho qua ngày đoạn tháng, rằng sau vài năm cứ mụ mị, ngươi chẳng đạt được gì và vẫn cảm thấy trống rỗng – và nếu điều này khiến ngươi cảm thấy khó chịu, bắt đầu phản tỉnh, và cảm thấy không mưu cầu lẽ thật là lãng phí thời gian, thì lúc đó ngươi sẽ nhận ra những lời khuyên nhủ của Đức Chúa Trời là tình yêu thương của Ngài dành cho con người, và ngươi sẽ hận mình vì đã không lắng nghe lời Đức Chúa Trời, vì đã quá thiếu lương tâm và lý trí. Ngươi sẽ cảm thấy hối hận, rồi sẽ muốn hành xử theo cách khác, muốn thực sự sống trước Đức Chúa Trời, và ngươi sẽ tự nhủ: “Mình không thể tiếp tục làm Đức Chúa Trời đau lòng nữa. Đức Chúa Trời đã phán dạy rất nhiều, từng lời đều vì lợi ích của con người và để chỉ cho con người con đường đúng đắn. Đức Chúa Trời thật đáng mến và thật xứng đáng để con người yêu kính!”. Đây là khởi đầu cho sự chuyển biến của con người. Có được sự lĩnh hội này là rất tốt! Nếu ngươi tê liệt đến mức không biết cả những điều này, thì ngươi đang gặp rắc rối rồi đấy, chẳng phải sao? Ngày nay, người ta có thể nhận ra rằng mấu chốt của đức tin nơi Đức Chúa Trời là phải đọc thêm lời Đức Chúa Trời, rằng hiểu lẽ thật là điều quan trọng nhất trên đời, rằng cốt yếu là phải hiểu lẽ thật và biết mình, và rằng chỉ khi có khả năng thực hành lẽ thật và biến lẽ thật thành thực tế mới là đang đi đúng đường trong đức tin nơi Đức Chúa Trời. Vậy các ngươi nghĩ mình phải có bao nhiêu năm trải nghiệm để có được hiểu biết và cảm nhận này trong lòng? Những người nhanh trí, những người thông sáng, những người có lòng khao khát Đức Chúa Trời mãnh liệt – những người như vậy có thể có khả năng quay đầu trong một, hai năm và bắt đầu bước vào. Nhưng những người hồ đồ, tê dại và trì độn, những người thiếu sự thông sáng – sẽ trải qua ba hoặc năm năm trong mơ hồ mà vẫn không biết rằng mình chưa thu hoạch được gì. Nếu nhiệt tình thực hiện bổn phận, họ có thể trải qua hơn mười năm trong mơ hồ mà vẫn chẳng có được sự thu hoạch rõ ràng nào hoặc vẫn không thể nói về chứng ngôn trải nghiệm của mình. Mãi cho đến khi bị đuổi hoặc đào thải thì cuối cùng họ mới tỉnh ngộ và thầm nghĩ: “Mình thực sự không có bất kỳ thực tế lẽ thật nào. Mình thực sự chưa phải là người mưu cầu lẽ thật!”. Đến lúc này họ mới tỉnh ngộ thì chẳng phải hơi muộn sao? Có những người mơ hồ sống cho qua ngày đoạn tháng, luôn trông mong ngày của Đức Chúa Trời đến, nhưng lại không hề mưu cầu lẽ thật. Kết quả là hơn mười năm trôi qua, họ vẫn chẳng thu hoạch được gì, chẳng thể chia sẻ bất kỳ chứng ngôn nào. Chỉ sau khi bị tỉa sửa, cảnh cáo nghiêm khắc, cuối cùng họ mới cảm thấy lời Đức Chúa Trời xuyên thấu lòng mình. Lòng họ thật quá cương ngạnh! Không tỉa sửa và trừng phạt họ thì làm sao mà ổn được? Không nghiêm khắc sửa dạy họ thì làm sao mà ổn được? Phải làm gì để họ có cảm giác, để họ phản ứng? Những kẻ không mưu cầu lẽ thật chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Chỉ sau khi đã làm quá nhiều chuyện quấy phá và tà ác, họ mới nhận ra và tự nhủ: “Đức tin nơi Đức Chúa Trời của mình kết thúc rồi sao? Đức Chúa Trời không muốn mình nữa sao? Mình vừa bị kết tội sao?”. Họ bắt đầu phản tỉnh. Khi tiêu cực, họ cảm thấy suốt bao năm qua tin Đức Chúa Trời thật lãng phí, họ đầy oán hận, và có xu hướng buông xuôi như một kẻ vô vọng. Nhưng khi tỉnh ngộ, họ lại ý thức được rằng: “Chẳng phải mình chỉ đang tự làm tổn thương bản thân sao? Mình phải đứng dậy. Mình bị nói là không yêu lẽ thật. Tại sao mình lại bị nói như thế? Mình không yêu lẽ thật như thế nào? Ôi không! Mình không những không yêu lẽ thật, mà thậm chí còn không thể đưa vào thực hành những lẽ thật mà mình thực sự hiểu! Đây là biểu hiện của sự chán ghét lẽ thật!”. Nghĩ thế, họ cảm thấy hơi hối hận và cũng hơi sợ hãi: “Nếu cứ tiếp tục như thế này, chắc chắn mình sẽ bị trừng phạt. Không, mình phải khẩn trương ăn năn – không được xúc phạm đến tâm tính của Đức Chúa Trời”. Lúc này, mức độ cương ngạnh của họ đã giảm bớt chưa? Nó giống như một mũi kim đã đâm vào lòng họ; họ có được cảm giác gì đó. Và khi ngươi có cảm giác này, lòng ngươi được khuấy động, và ngươi bắt đầu cảm thấy hứng thú với lẽ thật. Tại sao ngươi lại có hứng thú này? Bởi vì ngươi cần lẽ thật. Không có lẽ thật, khi bị tỉa sửa, ngươi không thể quy phục điều đó hay tiếp nhận lẽ thật, và ngươi không thể đứng vững trước sự thử luyện. Nếu trở thành lãnh đạo, liệu ngươi có thể kiềm chế để không trở thành lãnh đạo giả và không đi theo con đường của kẻ địch lại Đấng Christ không? Ngươi sẽ không làm được. Ngươi có thể vượt qua được việc có địa vị và được người khác khen ngợi không? Ngươi có thể vượt qua các tình huống được sắp đặt và những thử thách được đưa ra cho mình không? Ngươi biết và hiểu quá rõ về bản thân mình, ngươi sẽ nói: “Nếu không hiểu lẽ thật, mình sẽ không thể vượt qua được tất cả những điều này – mình sẽ là thứ phế vật, mình sẽ chẳng thể làm được gì”. Đây là lối suy nghĩ gì? Đây là cần lẽ thật. Khi ngươi thiếu thốn, khi ngươi bất lực nhất, ngươi chỉ muốn nương cậy lẽ thật. Ngươi sẽ cảm thấy không thể nương cậy vào ai khác, và chỉ dựa vào lẽ thật mới có thể giải quyết được các vấn đề của ngươi, cho phép ngươi vượt qua sự tỉa sửa, thử luyện và cám dỗ, và giúp ngươi vượt qua mọi hoàn cảnh. Và càng nương cậy vào lẽ thật, ngươi sẽ càng cảm thấy lẽ thật là tốt, hữu ích và trợ giúp nhiều nhất cho ngươi, có thể giải quyết mọi khó khăn của ngươi. Những lúc như vậy, ngươi sẽ bắt đầu khao khát lẽ thật. Khi con người đạt đến mức độ này, có phải tâm tính bại hoại của họ bắt đầu giảm bớt hoặc thay đổi từng chút một không? Từ khi con người bắt đầu hiểu và tiếp nhận lẽ thật, cách họ nhìn nhận mọi sự bắt đầu thay đổi, theo đó tâm tính của họ cũng bắt đầu thay đổi. Đây là một tiến trình chậm. Trong giai đoạn đầu, con người không thể nhận thấy những thay đổi nhỏ này; nhưng khi họ thực sự hiểu lẽ thật và có khả năng thực hành lẽ thật, thì sẽ bắt đầu có những thay đổi về thực chất và họ có thể cảm nhận được những thay đổi như vậy. Từ khi con người bắt đầu khao khát lẽ thật, có lòng thiết tha đạt được lẽ thật, có lòng tìm kiếm lẽ thật, thì khi có chuyện xảy đến với họ, dựa trên hiểu biết của mình về lẽ thật, họ có thể đưa lẽ thật vào thực hành và thỏa mãn ý muốn của Đức Chúa Trời, không hành động theo ý mình, và có thể chiến thắng những ý đồ của mình, chiến thắng sự kiêu ngạo, phản nghịch, cương ngạnh và lòng phản bội của bản thân, thì chẳng phải từng chút một, lẽ thật đang trở thành sự sống của họ sao? Và khi lẽ thật trở thành sự sống của ngươi, thì những tâm tính kiêu ngạo, phản nghịch, cương ngạnh và phản bội bên trong ngươi sẽ không còn là sự sống của ngươi nữa và sẽ không thể khống chế ngươi được nữa. Và điều gì định hướng cho cách làm người của ngươi lúc này? Lời Đức Chúa Trời. Khi những lời của Đức Chúa Trời đã trở thành sự sống của ngươi, thì đã có sự thay đổi chưa? (Thưa, rồi.) Và sau đó, ngươi càng thay đổi, tình hình càng trở nên tốt đẹp hơn. Đây là quá trình thay đổi của tâm tính con người, và để đạt được hiệu quả này cần một thời gian dài.

– Chỉ khi biết sáu loại tâm tính bại hoại mới thật sự tự biết mình, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Trước:  25. Cách giải quyết vấn đề tham hưởng lợi ích của địa vị

Tiếp theo:  27. Cách giải quyết tâm tính chán ghét lẽ thật

Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời Về việc biết Đức Chúa Trời Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ Chức trách của lãnh đạo và người làm công Về việc mưu cầu lẽ thật Về việc mưu cầu lẽ thật Sự phán xét khởi từ nhà Đức Chúa Trời Những lời trọng yếu từ Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Lời Đức Chúa Trời Hằng Ngày Các thực tế lẽ thật mà người tin Đức Chúa Trời phải bước vào Theo Chiên Con Và Hát Những Bài Ca Mới Những chỉ dẫn cho việc truyền bá Phúc Âm của vương quốc Chiên của Đức Chúa Trời nghe tiếng của Đức Chúa Trời Lắng nghe tiếng Đức Chúa Trời thấy được sự xuất hiện của Đức Chúa Trời Những câu hỏi và câu trả lời thiết yếu về Phúc Âm của Vương quốc Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 1) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 2) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 3) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 4) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 5) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 6) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 7) Tôi Đã Quay Về Với Đức Chúa Trời Toàn Năng Như Thế Nào

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Connect with us on Messenger