12. Cách giải quyết vấn đề quy định và xét đoán Đức Chúa Trời

Lời Đức Chúa Trời Toàn Năng trong thời kỳ sau rốt

Đức Chúa Trời và con người không thể được nói đến ngang hàng. Thực chất của Ngài và công tác của Ngài là điều khó dò lường và khó hiểu nhất đối với con người. Nếu Đức Chúa Trời không đích thân làm công tác của Ngài và phán lời Ngài trong nhân gian, thì con người sẽ không bao giờ có thể hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời. Và vì vậy, ngay cả những người đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho Đức Chúa Trời cũng sẽ không thể nhận được sự khen ngợi của Ngài. Nếu Đức Chúa Trời không xắn tay vào làm việc, thì dù cho con người có làm tốt đến đâu cũng đều vô ích, bởi ý niệm của Đức Chúa Trời sẽ mãi cao hơn ý niệm của con người, và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời con người không thể hiểu thấu. Và vì thế, Ta nói những kẻ tuyên bố “hiểu hết” về Đức Chúa Trời và công tác của Ngài là lũ vô dụng, tất cả chúng đều quá kiêu căng và thiếu hiểu biết. Con người không nên quy định công tác của Đức Chúa Trời; hơn nữa, con người không thể quy định công tác của Đức Chúa Trời. Trong mắt Đức Chúa Trời, nói thẳng là con người còn nhỏ hơn một con kiến, vậy thì làm sao con người có thể hiểu thấu công tác của Đức Chúa Trời? Những kẻ thích tuôn ra: “Đức Chúa Trời không làm việc theo cách này hay cách kia”, hoặc “Đức Chúa Trời như thế này thế kia” – chẳng phải chúng đang ăn nói ngạo mạn hay sao? Tất cả chúng ta nên biết rằng con người, thuộc về xác thịt, đều đã bị Sa-tan làm cho bại hoại. Chính bản tính của loài người là chống đối Đức Chúa Trời. Loài người không thể ngang hàng với Đức Chúa Trời, chứ đừng nói đến hy vọng khuyên bảo công tác của Đức Chúa Trời. Về việc Đức Chúa Trời chỉ dẫn con người ra sao, đó là công tác của chính Đức Chúa Trời. Điều thích hợp là con người nên thuận phục, và không tuyên bố quan điểm nọ kia, bởi con người chỉ là hạt bụi. Vì chủ đích của chúng ta là tìm kiếm Đức Chúa Trời, chúng ta không nên đặt những quan niệm của mình lên trên công tác của Đức Chúa Trời để Ngài xem xét, chúng ta càng không được dùng tâm tính bại hoại của mình để cố ý gắng sức chống đối công tác của Đức Chúa Trời. Chẳng phải điều đó sẽ biến chúng ta thành những kẻ địch lại Đấng Christ sao? Làm sao những người như vậy tin vào Đức Chúa Trời được? Vì chúng ta tin rằng có một Đức Chúa Trời, và vì chúng ta mong muốn làm hài lòng Ngài và nhìn thấy Ngài, chúng ta nên tìm kiếm con đường của lẽ thật, và nên tìm cách tương hợp với Đức Chúa Trời. Chúng ta không được cứng cổ chống đối Ngài. Hành động như thế thì được lợi gì chứ?

– Lời tựa, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời

Chẳng phải nhiều người chống đối Đức Chúa Trời và cản trở công tác của Đức Thánh Linh bởi vì họ không biết đến những công tác khác nhau và đa dạng của Đức Chúa Trời, và hơn nữa, bởi vì họ chỉ sở hữu một chút ít kiến thức và giáo lý để đo lường công tác của Đức Thánh Linh sao? Mặc dù kinh nghiệm của những kẻ đó hời hợt, nhưng họ kiêu ngạo và phóng túng từ trong bản tính và họ khinh thường công tác của Đức Thánh Linh, phớt lờ những sự sửa dạy của Đức Thánh Linh, và hơn thế nữa, dùng những lý lẽ tầm thường cũ rích để “kiểm chứng” công tác của Đức Thánh Linh. Họ cũng vờ vịt, hoàn toàn tin chắc về kiến thức và học thức uyên bác của chính mình, và tin rằng họ có thể chu du khắp thiên hạ. Chẳng phải những kẻ như thế là những kẻ bị Đức Thánh Linh ghét bỏ, và họ sẽ bị thời đại mới đào thải sao? Chẳng phải những kẻ đến trước Đức Chúa Trời và công khai chống đối Ngài là những kẻ hung ác ngu dốt và thiếu thông tin, những kẻ chỉ đơn thuần cố gắng thể hiện mình tài giỏi đến mức nào sao? Chỉ với chút kiến thức ít ỏi về Kinh Thánh, họ cố hoành hành trong “giới hàn lâm” của thế giới; chỉ với một giáo lý nông cạn để dạy mọi người, họ cố gắng làm đảo lộn công tác của Đức Thánh Linh và cố làm cho nó xoay quanh quá trình tư duy của chính họ. Với cái nhìn thiển cận như thế, họ cố gắng thấy được 6.000 năm công tác của Đức Chúa Trời trong một cái liếc mắt. Những người này chẳng có lí do gì đáng để nói đến! Thực tế là, kiến thức của con người về Đức Chúa Trời càng nhiều, họ càng chậm phán xét công tác của Ngài. Hơn nữa, họ chỉ nói một chút trong kiến thức của họ về công tác của Đức Chúa Trời ngày hôm nay, nhưng họ không vội vàng khi phán xét. Con người càng biết ít về Đức Chúa Trời, thì họ càng kiêu ngạo và tự tin quá mức, và họ càng bừa bãi tuyên bố về hữu thể của Đức Chúa Trời – nhưng họ chỉ nói lý thuyết, và không đưa ra chứng cớ xác thực. Những kẻ như thế thật vô giá trị. Những kẻ xem công tác của Đức Thánh Linh như một trò chơi là những kẻ phù phiếm! Những kẻ thiếu cẩn trọng khi bắt gặp công tác mới của Đức Thánh Linh, những kẻ ăn nói huyên thuyên, vội vàng phán xét, những kẻ cho phép tính khí của mình chối bỏ sự đúng đắn của công tác của Đức Thánh Linh, và những kẻ cũng xúc phạm và phỉ báng nó – chẳng phải những kẻ bất kính như thế không biết gì về công tác của Đức Thánh Linh sao? Hơn nữa, chẳng phải họ là những kẻ vô cùng ngạo mạn, những kẻ vốn dĩ kiêu căng và bất trị sao? Ngay cả đến một ngày khi những kẻ như thế chấp nhận công tác mới của Đức Thánh Linh, thì Đức Chúa Trời vẫn sẽ không khoan thứ cho họ. Họ không những xem thường những người làm việc cho Đức Chúa Trời, mà họ còn báng bổ chính Đức Chúa Trời. Những kẻ vô vọng như thế sẽ không được tha thứ, kể cả trong thời đại này hay trong thời đại sắp tới, và họ sẽ bị diệt mất đời đời nơi địa ngục! Những kẻ bất kính và phóng túng như thế đang giả vờ tin vào Đức Chúa Trời, và con người càng như thế này, họ càng có khả năng vi phạm các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời. Chẳng phải tất cả những kẻ kiêu ngạo, là những kẻ sinh ra đã buông tuồng, và là những kẻ không bao giờ chịu phục ai, đều đi trên con đường này sao? Chẳng phải ngày qua ngày họ chống đối Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời luôn luôn mới và không bao giờ cũ sao?

– Biết ba giai đoạn công tác của Đức Chúa Trời là con đường để biết Đức Chúa Trời, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời

Hãy biết rằng các ngươi chống đối công tác của Đức Chúa Trời, hoặc dùng những quan niệm của riêng các ngươi để đo lường công tác của ngày hôm nay, là bởi vì các ngươi không biết các nguyên tắc công tác của Đức Chúa Trời, và bởi vì sự đối đãi khinh suất của các ngươi đối với công tác của Đức Thánh Linh. Sự chống đối Đức Chúa Trời và sự cản trở công tác của Đức Thánh Linh của các ngươi là do những quan niệm và sự kiêu ngạo vốn có của các ngươi gây ra. Đó không phải là vì công tác của Đức Chúa Trời sai, mà vì các ngươi vốn quá phản nghịch. Sau khi tìm thấy niềm tin của mình nơi Đức Chúa Trời, một vài người thậm chí không thể nói chắc chắn con người đến từ đâu, vậy mà họ dám phát biểu trước công chúng, đánh giá đúng sai về công tác của Đức Thánh Linh. Họ thậm chí còn lên lớp các sứ đồ là những người có công tác mới của Đức Thánh Linh, đưa ra bình luận và nói năng bừa bãi; nhân tính của họ quá kém, và trong họ không có chút ý thức nào. Chẳng phải sẽ đến ngày những kẻ như thế bị công tác của Đức Thánh Linh ghét bỏ, và bị thiêu đốt bởi lửa của địa ngục sao? Họ không biết đến công tác của Đức Chúa Trời, mà lại xét đoán công tác của Ngài, và còn cố gắng hướng dẫn Đức Chúa Trời cách làm việc. Làm sao những kẻ vô lý như thế có thể biết Đức Chúa Trời? Con người biết đến Đức Chúa Trời trong suốt quá trình tìm kiếm và trải nghiệm; nhận thức về Đức Chúa Trời đâu phải là điều đạt được thông qua sự khai sáng của Đức Thánh Linh trong quá trình con người xét đoán tùy tiện. Kiến thức của con người về Đức Chúa Trời càng trở nên chính xác, thì họ càng ít chống đối Ngài. Ngược lại, con người biết đến Đức Chúa Trời càng ít, thì họ càng có khả năng chống đối Ngài. Những quan niệm của ngươi, bản tính cũ của ngươi, và nhân tính, tính cách cùng quan điểm đạo đức của ngươi là vốn liếng mà ngươi dùng để chống lại Đức Chúa Trời, và đạo đức của ngươi càng bại hoại, tố chất của ngươi càng ghê tởm, và nhân tính của ngươi càng thấp kém, thì ngươi càng là kẻ thù của Đức Chúa Trời. Những kẻ sở hữu những quan niệm cố chấp và những kẻ có một tâm tính tự nên công chính thì còn thù địch hơn với Đức Chúa Trời nhập thể; những kẻ như thế là những kẻ địch lại Đấng Christ. Nếu những quan niệm của ngươi không được chỉnh đốn, thì chúng sẽ luôn luôn chống lại Đức Chúa Trời; ngươi sẽ không bao giờ tương hợp với Đức Chúa Trời, và sẽ luôn luôn xa cách Ngài.

– Biết ba giai đoạn công tác của Đức Chúa Trời là con đường để biết Đức Chúa Trời, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời

Nếu các ngươi dùng những quan niệm của riêng mình để đo và giới hạn Đức Chúa Trời, như thể Đức Chúa Trời là một pho tượng đất sét bất biến, và nếu các ngươi hoàn toàn giới hạn Đức Chúa Trời trong những khuôn khổ của Kinh Thánh và bó buộc Ngài trong một phạm vi công tác hạn hẹp thì điều này chứng minh rằng các ngươi đã kết án Đức Chúa Trời. Bởi vì người Do Thái trong thời đại Cựu Ước đã coi Đức Chúa Trời là một tượng thần có hình dáng cố định mà họ lưu giữ trong lòng, như thể Đức Chúa Trời chỉ có thể được gọi là Đấng Mê-si, và chỉ mình Đấng được gọi là Đấng Mê-si mới có thể là Đức Chúa Trời, và bởi vì nhân loại phụng sự và thờ phượng Đức Chúa Trời như thể Ngài là một pho tượng đất sét (không có sự sống), họ đã đóng đinh Jêsus của thời đại đó vào cây thập tự, xử tử Ngài – do vậy Jêsus vô tội đã bị kết án tử. Đức Chúa Trời đã không phạm bất kỳ tội nào, ấy thế mà con người đã không tha cho Ngài, và nhất quyết xử tử Ngài, và do đó Jêsus bị đóng đinh lên thập tự giá. Con người luôn tin rằng Đức Chúa Trời không thay đổi, và định nghĩa Ngài trên cơ sở của một cuốn sách duy nhất, Kinh Thánh, như thể con người có hiểu biết hoàn hảo về sự quản lý của Đức Chúa Trời, như thể con người nắm bắt mọi việc Đức Chúa Trời làm trong lòng bàn tay mình. Con người ngu xuẩn tột độ, kiêu ngạo tột độ, và hết thảy họ đều có tài cường điệu. Cho dù kiến thức của ngươi về Đức Chúa Trời có tuyệt vời như thế nào, Ta vẫn nói rằng ngươi không biết Đức Chúa Trời, rằng ngươi là kẻ chống đối Đức Chúa Trời nhất, và rằng ngươi đã kết án Đức Chúa Trời, bởi vì ngươi hoàn toàn không có khả năng thuận phục công tác của Đức Chúa Trời và đi con đường được Đức Chúa Trời làm cho hoàn thiện. Tại sao Đức Chúa Trời không bao giờ hài lòng với những hành động của con người? Bởi vì con người không biết Đức Chúa Trời, bởi vì con người có quá nhiều quan niệm, và bởi vì kiến thức của con người về Đức Chúa Trời không tài nào thích hợp với hiện thực, mà thay vào đó là lặp lại cùng một chủ đề theo cách đơn điệu mà không có biến thể, và dùng cùng một phương pháp cho mọi tình huống. Và như vậy, khi đến trần gian hôm nay, Đức Chúa Trời lại một lần nữa bị con người đóng đinh vào cây thập tự.

– Kẻ dữ ắt sẽ bị trừng phạt, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời

Hiện tại, có phải hầu hết mọi người đều nghĩ: “Những lời Đức Chúa Trời nói trong thời kỳ sau rốt đều đã nằm trong cuốn ‘Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt’ rồi, sẽ không còn lời nào nữa, lời Ngài đã được nói hết rồi” không? Đây là một nhận định vô cùng sai lầm! Những lời trong cuốn “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt” chỉ là lời mở đầu, một phần trong những lời dành cho công tác ở thời kỳ sau rốt của Đức Chúa Trời, chủ yếu là lời về phương diện lẽ thật của những khải tượng. Sau này còn có rất nhiều lời chi tiết về phương diện thực hành. Nên mới nói, cuốn sách “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt” được công khai cho công chúng không có nghĩa là công tác của Đức Chúa Trời đã xong một giai đoạn, càng không thể nói là công tác phán xét ở thời kỳ sau rốt của Đức Chúa Trời đã hoàn toàn kết thúc. Đức Chúa Trời còn rất nhiều lời muốn bày tỏ, đến khi đã phán hết những lời này thì cũng không thể nói là toàn bộ công tác quản lý của Ngài đã kết thúc. Sau khi hoàn thành công tác trên toàn vũ trụ, chỉ có thể nói là kế hoạch quản lý 6.000 năm đã kết thúc, nhưng đến lúc đó phải chăng vẫn còn nhân loại sinh tồn trong vũ trụ này? Chỉ cần còn sự tồn tại của sinh mạng, có con người tồn tại, thì bắt buộc phải có sự quản lý của Đức Chúa Trời. Sau khi kế hoạch quản lý 6.000 năm kết thúc, chỉ cần còn nhân loại, còn sinh mạng, còn vũ trụ này thì Đức Chúa Trời vẫn còn quản lý, nhưng không thể gọi là kế hoạch quản lý 6.000 năm được nữa. Bây giờ nói là “sự quản lý của Đức Chúa Trời”, sau này cũng có thể gọi bằng một danh từ khác, đó lại là một loại hình cuộc sống khác của Đức Chúa Trời và con người, không thể nói rằng Đức Chúa Trời vẫn dùng những lời hiện tại để dẫn dắt con người nữa, những lời này chỉ phù hợp với giai đoạn này thôi. Nên mới nói, bất cứ lúc nào ngươi cũng đừng quy định công tác của Đức Chúa Trời. Có người nói: “Đức Chúa Trời chỉ cung cấp cho con người những lời này thôi, không còn gì nữa, Đức Chúa Trời chỉ có thể nói những lời này”. Như thế là lại quy định Đức Chúa Trời trong một phạm vi rồi. Cũng như hiện nay là Thời đại Vương quốc, ngươi đem hết những lời đã được nói trong Thời đại Jêsus ra thì có còn thích hợp để dùng không? Có những thứ thích hợp để dùng, có thứ phải xóa bỏ, vậy thì ngươi không thể nói rằng bất cứ lúc nào lời Đức Chúa Trời cũng không thể bị bãi bỏ. Có phải con người thích quy định không? Chưa biết chừng họ đã quy định Đức Chúa Trời trong một chuyện nào đó. Cho đến một ngày, có lẽ ngươi sẽ đọc cuốn sách “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt” cũng như con người bây giờ đọc “Kinh Thánh”, không thể bắt kịp dấu chân của Đức Chúa Trời nữa. Bây giờ đúng là lúc để đọc “Lời Xuất Hiện Trong Xác Thịt”, không chừng bao nhiêu năm sau đọc lại những lời này cũng sẽ thấy lỗi thời, bởi vì đã có cái mới thay thế cái cũ. Nhu cầu của con người sản sinh, phát triển theo công tác của Đức Chúa Trời. Khi đó, bản tính con người và những thuộc tính bản năng mà một con người phải có sẽ có một số thay đổi, sau khi thế giới thay đổi, nhu cầu của con người cũng khác. Có người hỏi: “Sau này Đức Chúa Trời có phán lời nữa không?”. Có người sẽ quy định nói: “Không thể phán đâu, bởi vì công tác của Thời đại của Lời đã kết thúc rồi, không thể phán tiếp những lời khác nữa, còn có thêm những lời khác nữa thì chính là giả đấy”. Như thế không phải là lại sai rồi sao? Con người đều dễ dàng mắc lỗi quy định Đức Chúa Trời, đều thích bảo thủ, thích quy định, rõ ràng không biết Đức Chúa Trời nhưng vẫn quy định công tác của Đức Chúa Trời một cách bừa bãi, bản tính con người thật sự là quá kiêu căng! Con người luôn sẵn lòng bám lấy những quan niệm cũ trong quá khứ, cất giữ những thứ ngày xưa trong lòng, và coi những thứ đó là vốn liếng của mình, kiêu căng tự đại, tự cho rằng mình đã hiểu mọi thứ, có gan dám quy định công tác của Đức Chúa Trời. Như thế không phải là đang phán xét Đức Chúa Trời sao? Ngoài ra, con người vốn không hề quan sát tỉ mỉ công tác mới của Đức Chúa Trời. Điều này đã nói lên rằng con người không dễ dàng tiếp nhận cái mới, còn nhắm mắt quy định bừa, con người đúng là kiêu căng, không có lý trí, không nghe lời ai, cho dù là lời của Đức Chúa Trời cũng không tiếp nhận nổi. Đây chính là bản tính của con người, tràn đầy kiêu căng, tự cho mình là đúng, không có một chút thuận phục nào. Lúc đó người Pha-ri-si định tội Jêsus cũng như vậy, họ cho rằng: “Dù Ngài có làm đúng thì tôi cũng không đi theo Ngài, chỉ có Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật”. Bây giờ cũng có người nói: “Ngài ấy là Đấng Christ sao? Cho dù Ngài ấy có là Đấng Christ thật thì tôi cũng không đi theo đâu!”. Có ai như vậy không? Có quá nhiều người như thế trong tôn giáo, điều này chứng minh là tâm tính của con người quá bại hoại, hết thuốc chữa rồi.

Trong số các thánh đồ qua các thời đại, những người duy nhất có hiểu biết thực sự về Đức Chúa Trời chỉ có Môi-se và Phi-e-rơ, họ được Đức Chúa Trời khen ngợi, nhưng liệu họ có thể dò thấu được Đức Chúa Trời không? Những gì họ đạt được cũng có hạn, và bản thân họ cũng không dám nói rằng mình biết Đức Chúa Trời. Những người thực sự có hiểu biết về Ngài sẽ không quy định Ngài, bởi vì họ đã biết được sự không thể đo đếm, không thể ước lượng của Đức Chúa Trời. Những người không biết Ngài mới thích quy định Ngài, quy định Đức Chúa Trời có gì và là gì. Họ tràn đầy tưởng tượng về Đức Chúa Trời, dễ dàng nảy sinh quan niệm nhất với công tác của Ngài. Cho nên mới nói, những người tự cho là biết Đức Chúa Trời là những người chống đối Ngài nhất và là những người nguy hiểm nhất.

– Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Khi biết rằng Đức Chúa Trời yêu nhân loại, họ quy định Ngài thành một biểu tượng của tình yêu: Họ tin rằng bất kể con người làm gì, bất kể họ hành xử ra sao, bất kể họ đối xử với Đức Chúa Trời thế nào và bất kể họ có thể phản nghịch như thế nào, không điều gì trong số này thực sự quan trọng, bởi Đức Chúa Trời có tình yêu thương và tình yêu thương của Ngài là vô hạn và vô lượng. Đức Chúa Trời có tình yêu thương, vì vậy Ngài có thể khoan dung cho con người; và Đức Chúa Trời có tình yêu thương, vì vậy Ngài có thể thương xót con người, thương xót sự non nớt của họ, thương xót sự thiếu hiểu biết của họ và thương xót sự phản nghịch của họ. Điều này thực sự là vậy phải không? Đối với một số người, khi họ đã thể nghiệm sự nhẫn nại của Đức Chúa Trời một lần hay thậm chí một vài lần, họ sẽ xem những kinh nghiệm này là vốn liếng trong sự hiểu biết của riêng họ về Đức Chúa Trời, tin rằng Ngài sẽ mãi mãi nhẫn nại và thương xót đối với họ, sau đó, trong suốt cuộc đời, họ lấy sự nhẫn nại này của Đức Chúa Trời và xem đó là tiêu chuẩn mà Ngài dùng để đối xử với họ. Cũng có những người, sau một lần trải nghiệm sự khoan dung của Đức Chúa Trời, thì họ sẽ mãi mãi quy định Đức Chúa Trời là Đấng khoan dung – và trong tâm trí họ, sự khoan dung này là vô hạn, vô điều kiện, và thậm chí hoàn toàn vô nguyên tắc. Những niềm tin như thế có đúng không? Mỗi lần những vấn đề về thực chất của Đức Chúa Trời hay tâm tính của Đức Chúa Trời được thảo luận, thì các ngươi dường như đều hoang mang. Nhìn thấy các ngươi như thế này làm cho Ta rất lo lắng. Các ngươi đã nghe rất nhiều lẽ thật liên quan đến thực chất của Đức Chúa Trời; các ngươi cũng nghe rất nhiều thảo luận liên quan đến tâm tính của Ngài. Tuy nhiên, trong tâm trí các ngươi, những vấn đề này và lẽ thật về những khía cạnh này chỉ là những ký ức dựa trên lý thuyết và những chữ viết; trong cuộc sống hàng ngày của mình, không ai trong số các ngươi từng có thể trải nghiệm hay thấy được tâm tính của Đức Chúa Trời thực sự là gì. Do đó, các ngươi hết thảy đều qua loa đại khái trong đức tin của mình; hết thảy các ngươi đều tin một cách mù quáng, đến độ mà các ngươi có một thái độ bất kính đối với Đức Chúa Trời và thậm chí phớt lờ Ngài. Việc các ngươi có thái độ này đối với Đức Chúa Trời dẫn đến điều gì? Nó dẫn đến việc các ngươi luôn luôn quy định về Đức Chúa Trời. Một khi ngươi đã có được một chút ít kiến thức, thì ngươi cảm thấy rất thỏa mãn, như thể ngươi đã có được trọn vẹn Đức Chúa Trời. Sau đó, ngươi kết luận rằng Đức Chúa Trời là như thế, và ngươi không để Ngài tự do hành động. Hơn nữa, bất kỳ khi nào Đức Chúa Trời làm điều gì mới, ngươi chỉ đơn giản từ chối thừa nhận rằng Ngài là Đức Chúa Trời. Một ngày nọ, khi Đức Chúa Trời phán: “Ta không còn yêu thương loài người nữa; Ta sẽ không còn dành sự thương xót cho con người nữa; Ta không còn bất kỳ sự dung thứ hay nhẫn nại nào đối với họ nữa; trong Ta đầy dẫy sự ghê tởm và ác cảm tột bậc đối với họ”, những lời tuyên bố như thế sẽ tạo nên sự xung đột trong thâm tâm của con người. Thậm chí một số người trong số họ còn nói: “Ngài không phải là Đức Chúa Trời của con nữa; Ngài không còn là Đức Chúa Trời mà con muốn đi theo. Nếu đây là những gì Ngài phán, thì Ngài không còn đủ tiêu chuẩn làm Đức Chúa Trời của con, và con không cần phải tiếp tục đi theo Ngài. Nếu Ngài không ban cho con lòng thương xót, tình yêu thương và sự khoan dung nữa, thì con sẽ ngừng đi theo Ngài. Nếu Ngài khoan dung với con vô thời hạn, luôn luôn nhẫn nại với con, và cho con thấy rằng Ngài là tình yêu thương, Ngài là sự nhẫn nại, và Ngài là sự khoan dung, thì chỉ khi đó con mới có thể đi theo Ngài, và chỉ khi đó con mới có tự tin để đi theo Ngài đến cùng. Vì con có sự nhẫn nại và thương xót của Ngài, nên sự phản nghịch và những vi phạm của con có thể được tha thứ và tha tội vô thời hạn, và con có thể phạm tội mọi lúc mọi nơi, xưng tội và được tha tội mọi lúc mọi nơi, và chọc giận Ngài mọi lúc mọi nơi. Ngài sẽ không có bất kỳ ý kiến hay bất kỳ kết luận nào về con”. Mặc dù không một ai trong các ngươi có thể nghĩ về loại vấn đề này một cách chủ quan và có chủ ý như thế, nhưng bất cứ khi nào các ngươi xem Đức Chúa Trời như là một công cụ được dùng để tha thứ cho những tội lỗi của các ngươi hoặc là một đối tượng được dùng để có được một đích đến tốt đẹp, thì các ngươi đã ngấm ngầm đặt Đức Chúa Trời hằng sống đối lập với các ngươi, như là kẻ thù của các ngươi. Đây là những gì Ta nhìn thấy. Ngươi có thể tiếp tục nói những điều như: “Con tin vào Đức Chúa Trời”, “Con mưu cầu lẽ thật”, “Con muốn thay đổi tâm tính của mình”, “Con muốn thoát khỏi ảnh hưởng của bóng tối”, “Con muốn làm Đức Chúa Trời thỏa lòng”, “Con muốn thuận phục Đức Chúa Trời”, “Con muốn trung tín với Đức Chúa Trời, và làm tốt bổn phận của mình”, v.v. Tuy nhiên, cho dù những lời nói của ngươi nghe có vẻ ngọt ngào đến mấy, cho dù ngươi có thể biết được bao nhiêu lý thuyết, và cho dù lý thuyết đó có hoành tráng hoặc cao cả đến đâu chăng nữa, thì thực tế của vấn đề là giờ đây có nhiều người các ngươi đã học cách sử dụng những quy định, đạo lý, lý thuyết mà các ngươi đã nắm vững để đưa ra những kết luận về Đức Chúa Trời, do đó tự nhiên đặt Ngài đối lập với chính các ngươi. Mặc dù ngươi có thể đã nắm vững những câu chữ và đạo lý, nhưng ngươi chưa thực sự bước vào hiện thực của lẽ thật, vì vậy rất khó cho ngươi để đến gần với Đức Chúa Trời, để biết về Ngài và để hiểu được Ngài. Điều này thật đáng thương!

– Cách nhận biết tâm tính của Đức Chúa Trời và các kết quả mà công tác của Ngài sẽ đạt được, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Con người thích áp dụng một cách máy móc các phép tắc và họ thích dùng phép tắc để quy định và định nghĩa Đức Chúa Trời, cũng như việc họ thích dùng công thức để tìm hiểu tâm tính của Đức Chúa Trời. Do đó, trong giới hạn suy nghĩ của con người thì Đức Chúa Trời không nghĩ ngợi, và Ngài cũng không có bất cứ ý tưởng thiết yếu nào. Nhưng trên sự thật, suy nghĩ của Đức Chúa Trời liên tục chuyển đổi theo những thay đổi của sự vật và môi trường. Trong lúc những suy nghĩ này chuyển biến thì những khía cạnh khác nhau trong thực chất của Đức Chúa Trời sẽ được tỏ lộ. Trong quá trình chuyển đổi này, tại chính khoảnh khắc Đức Chúa Trời thay đổi ý định, những gì Ngài tỏ ra cho nhân loại thấy là sự tồn tại chân thật của Ngài, và rằng tâm tính công chính của Ngài thì đầy sức sống năng động. Đồng thời, Đức Chúa Trời dùng sự mặc khải đích thực của riêng Ngài để chứng minh cho nhân loại thấy sự thật về sự tồn tại của cơn thịnh nộ, lòng nhân từ, lòng thuơng xót và lòng khoan dung của Ngài. Thực chất của Ngài sẽ được tỏ ra bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu tùy theo diễn biến phát triển của mọi sự. Ngài sở hữu cơn thịnh nộ của chúa sơn lâm và lòng khoan dung và nhân từ của một người mẹ. Bất cứ ai cũng không được phép chất vấn, xâm phạm, sửa đổi hay xuyên tạc tâm tính công chính của Ngài. Trong mọi sự việc và đối với mọi vật, tâm tính công chính của Đức Chúa Trời, tức là cơn thịnh nộ và lòng khoan dung của Ngài, có thể bộc lộ bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Ngài mạnh mẽ bày tỏ những khía cạnh này ở mọi ngóc ngách trong toàn tạo hóa và quyết liệt thể hiện chúng trong mọi khoảnh khắc trôi qua. Tâm tính công chính của Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian; hay nói cách khác, tâm tính công chính của Ngài không được thể hiện hay tỏ lộ một cách máy móc theo sự hạn chế về thời gian hoặc không gian, mà thay vào đó là một sự thoải mái hoàn toàn ở mọi nơi và mọi lúc. Khi ngươi thấy Đức Chúa Trời mềm lòng và thôi trút cơn thịnh nộ của Ngài đồng thời kiềm lại việc hủy diệt thành Ni-ni-ve, ngươi có thể nói rằng Đức Chúa Trời chỉ có lòng yêu thương và lòng nhân từ hay không? Ngươi có thể nói rằng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời chứa đựng những lời sáo rỗng hay không? Khi Đức Chúa Trời nổi cơn thịnh nộ sôi sục và rút lại sự thương xót của Ngài, ngươi có thể nói rằng Ngài không dành tình yêu thương thực sự đối với con người không? Đức Chúa Trời bày tỏ cơn thịnh nộ dữ dội để đáp lại những hành động tà ác của con người; cơn thịnh nộ của Ngài không hề sai lầm. Đức Chúa Trời cảm động trong lòng trước sự ăn năn của con người và chính sự ăn năn này dẫn tới sự mềm lòng của Ngài. Khi Ngài cảm động, khi Ngài mềm lòng, và khi Ngài tỏ lòng nhân từ và khoan dung của Ngài với con người, tất cả những điều này hoàn toàn không có sai lầm; chúng trong sạch, thuần khiết, không hoen ố và không bị vấy bẩn. Sự khoan dung của Ngài đơn thuần là lòng khoan dung; cũng như sự nhân từ của Ngài không gì khác hơn là lòng nhân từ. Tâm tính của Ngài tỏ lộ cơn thịnh nộ hay lòng nhân từ và sự khoan dung tùy theo sự sám hối của con người và những cách hành xử khác nhau của họ. Dù Ngài có tỏ lộ và bày tỏ điều gì chăng nữa thì điều đó cũng hoàn toàn thuần khiết và trực tiếp; thực chất của nó khác với thực chất của bất kỳ loài thọ tạo nào. Những nguyên tắc cơ bản trong các hành động mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ, những suy nghĩ và tư tưởng của Ngài, hoặc bất cứ quyết định cụ thể nào cũng như từng hành động của Ngài đều không có bất cứ sai lầm nào và không hề bị vấy bẩn. Vì Đức Chúa Trời đã quyết định như thế và đã hành động như thế, thì Ngài cũng hoàn thành công việc của mình như vậy. Những kết quả công việc của Ngài là đúng đắn và chính xác hoàn mỹ bởi vì nguồn gốc của chúng không có thiếu sót và không bị vấy bẩn. Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời là không có sai lầm. Tương tự như vậy, lòng nhân từ và khoan dung của Đức Chúa Trời – vốn không loài thọ tạo nào sở hữu được – là thánh khiết và hoàn hảo, và chúng có thể đứng vững trước sự suy xét và trải nghiệm chín chắn.

– Chính Đức Chúa Trời, Đấng độc nhất II, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Có người bắt đầu tin vào Đức Chúa Trời khi thấy những lời Đức Chúa Trời bày tỏ quả đúng là lẽ thật. Tuy nhiên, khi vào nhà Đức Chúa Trời và thấy Đức Chúa Trời là một người bình thường, trong lòng họ lại nảy sinh quan niệm. Họ không kiềm chế lời nói và hành vi của mình nữa mà trở nên buông thả, nói năng vô trách nhiệm, phán xét và phỉ báng một cách tùy tiện. Đấy chính là cách những kẻ ác như thế bị tỏ lộ. Những sinh vật vô nhân tính này thường xuyên hành ác và gây nhiễu loạn công tác của hội thánh, kết cục của họ sẽ chẳng tốt đẹp gì! Họ công khai chống đối, phỉ báng, phán xét và xúc phạm Đức Chúa Trời, công khai báng bổ và đối nghịch Ngài. Những kẻ như thế đáng phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc. Một số kẻ thuộc bè lũ lãnh đạo giả, sau khi bị cách chức thì không ngừng oán giận Đức Chúa Trời. Họ chộp lấy thời cơ trong những buổi hội họp để không ngừng lan truyền quan niệm và trút lời oán trách; thậm chí dám thốt ra những lời cay độc hay những lời để xả giận. Những kẻ đó chẳng phải là ma quỷ sao? Sau khi bị thanh trừ khỏi nhà Đức Chúa Trời, họ cảm thấy hối hận, cho rằng mình đã lỡ lời vì nhất thời ngu muội. Một số người không phân định được họ, nói rằng: “Họ thật đáng thương và trong lòng họ cũng đã hối hận rồi. Họ nói họ mang nợ Đức Chúa Trời, nói họ không biết về Ngài, nên hãy tha thứ cho họ”. Liệu có thể tha thứ dễ dàng như thế không? Con người còn có tôn nghiêm, huống hồ là Đức Chúa Trời! Những kẻ này buông lời phỉ báng và báng bổ xong thì tỏ vẻ hối hận với vài người, họ tha thứ cho chúng, nói rằng chúng chỉ nhất thời ngu muội mà thôi, nhưng liệu đó có phải là nhất thời ngu muội không? Trong lời họ nói luôn có ý định, thậm chí còn dám phán xét Đức Chúa Trời. Nhà Đức Chúa Trời đã cách chức họ, nên họ mất hết lợi ích của địa vị, và trong nỗi sợ bị đào thải, họ tuôn ra những lời oán trách rồi sau đó lại khóc lóc trong cay đắng và ân hận. Làm vậy có ích gì không? Lời đã nói ra thì như bát nước hắt đi, không thể lấy lại được. Liệu Đức Chúa Trời có dung thứ cho những kẻ tùy tiện chống đối, phán xét và báng bổ Ngài không? Ngài cứ vậy bỏ qua sao? Nếu vậy thì Đức Chúa Trời sẽ không có tôn nghiêm. Có người lỡ chống đối rồi thì nói: “Lạy Đức Chúa Trời, huyết báu của Ngài đã cứu chuộc con. Ngài dạy chúng con tha thứ bảy mươi lần bảy, vậy thì Ngài cũng nên tha thứ cho con!”. Đúng là vô liêm sỉ! Một số người thì phát tán tin đồn về Đức Chúa Trời, rồi sợ hãi sau khi phỉ báng Ngài. Sợ bị trừng phạt, họ liền quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời! Xin đừng bỏ con, xin đừng trừng phạt con. Con xin thú tội, ăn năn, con mang nợ Ngài, con sai rồi”. Nói xem, những kẻ như thế có thể được tha thứ không? Không thể! Tại sao lại không thể? Vì việc họ làm đã xúc phạm tới Đức Thánh Linh, và tội báng bổ Đức Thánh Linh thì sẽ không bao giờ được tha thứ, dù ở đời này hay đời sau! Đức Chúa Trời giữ đúng lời Ngài. Ngài có sự tôn nghiêm, sự thịnh nộ, và tâm tính công chính. Ngươi nghĩ Đức Chúa Trời cũng giống con người, rằng nếu ai đó tử tế với Ngài thêm một chút, Ngài sẽ bỏ qua những vi phạm trước đó của họ ư? Không có chuyện đó đâu! Nếu chống đối Đức Chúa Trời, liệu ngươi có kết cục tốt đẹp không? Nếu ngươi chỉ nhất thời ngu muội mà làm gì đó sai trái hoặc thỉnh thoảng bộc lộ một chút tâm tính bại hoại, thì có thể hiểu được. Nhưng nếu ngươi trực tiếp chống đối, phản nghịch và đối lập với Đức Chúa Trời, và phỉ báng, báng bổ và loan tin đồn về Ngài, thì ngươi coi như xong thật rồi. Những kẻ như thế không cần phải cầu nguyện làm gì nữa; chỉ việc chờ bị trừng phạt thôi. Không thể tha thứ cho họ! Đến lúc đó, đừng có trơ trẽn mà nói rằng: “Lạy Đức Chúa Trời, xin hãy tha cho con!”. Ta rất tiếc phải nói rằng, ngươi có cầu xin đến mấy cũng vô ích mà thôi. Nếu đã hiểu được một ít lẽ thật, mà còn cố ý vi phạm thì không thể được tha thứ. Trước kia, Ta đã phán rằng Đức Chúa Trời không ghi nhớ những vi phạm của người ta. Đó là nói đến những lỗi nhỏ không liên quan đến sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời và không xúc phạm tâm tính của Ngài, chứ không bao gồm việc phỉ báng hay báng bổ Đức Chúa Trời. Nếu ngươi báng bổ, phán xét hay phỉ báng Đức Chúa Trời dù chỉ một lần, thì đó sẽ là vết nhơ mãi mãi không thể xóa sạch. Con người cứ muốn tùy tiện báng bổ và lăng mạ Đức Chúa Trời, rồi sau đó muốn lợi dụng Ngài để nhận lãnh phước lành. Trên đời này làm gì có chuyện tiện lợi đến thế! Con người luôn nghĩ Đức Chúa Trời thương xót và từ ái, nghĩ rằng Ngài nhân từ, có tấm lòng bao la vô hạn, không ghi nhớ những vi phạm của con người và bỏ qua cho những vi phạm và hành vi trước kia của họ. Những chuyện nhỏ đã qua thì cho qua. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ cho những ai công khai chống đối và báng bổ Ngài.

Mặc dù hầu hết mọi người trong hội thánh đều thực sự tin Đức Chúa Trời, nhưng không có lòng kính sợ Ngài. Chứng tỏ đa số họ không có hiểu biết thực sự về tâm tính của Đức Chúa Trời, nên thật khó để họ kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Nếu người ta tin Đức Chúa Trời mà không kính sợ hay sợ hãi Ngài, và khi công tác của Đức Chúa Trời động chạm đến lợi ích của mình thì mở miệng nói năng không chút kiêng dè, thì lúc họ nói xong chẳng phải cũng là hồi kết cho họ sao? Rồi họ phải trả giá cho những gì mình nói, và đây không phải chuyện đơn giản. Khi có người báng bổ, phán xét Đức Chúa Trời, trong lòng họ có biết mình đang nói gì không? Ai nói thì trong lòng người đó đều biết mình nói gì. Trừ những người bị tà linh ám và người có lý trí bất thường, còn lại những ai bình thường đều biết mình nói gì. Nếu nói không biết thì là đang nói dối. Khi nói ra, họ nghĩ: “Tôi biết Ngài là Đức Chúa Trời. Tôi nói Ngài làm vậy là không thích hợp đấy, Ngài làm gì được tôi? Tôi nói xong thì Ngài sẽ làm gì?”. Họ cố ý làm vậy để gây nhiễu loạn người khác, để lôi kéo người khác về phe họ, khiến người khác nói và làm những điều tương tự. Họ biết những gì họ nói chính là đang công khai chống đối Đức Chúa Trời, biết như thế là chống lại Đức Chúa Trời, báng bổ Ngài. Sau khi suy nghĩ kĩ lại, họ mới thấy mình sai: “Mình vừa nói gì vậy? Đó chỉ là một phút bốc đồng và mình thật sự hối hận!”. Sự hối hận đó chứng tỏ lúc đó họ biết chính xác mình đang làm gì; không phải là họ không biết. Nếu ngươi nghĩ họ chỉ nhất thời ngu muội và hồ đồ, rằng họ không hiểu cho thấu đáo, thì không hẳn đúng đâu. Có thể con người không hiểu thấu đáo, nhưng nếu đã tin Đức Chúa Trời thì ngươi phải có thường thức tối thiểu. Tin Đức Chúa Trời thì ngươi phải kính sợ và sợ hãi Ngài. Ngươi không được tùy tiện báng bổ Đức Chúa Trời, không được phán xét hoặc phỉ báng Ngài. Ngươi có biết “phán xét”, “báng bổ” và “phỉ báng” nghĩa là gì không? Khi nói điều gì đó, chẳng lẽ ngươi không biết liệu mình có đang phán xét Đức Chúa Trời hay sao? Một số người hay nói về chuyện họ đã từng tiếp đãi Đức Chúa Trời, thường xuyên gặp Ngài, đã trực tiếp nghe thông công của Đức Chúa Trời. Gặp ai họ cũng kể dông dài những chuyện này, toàn những chuyện ngoài lề; họ chẳng có chút hiểu biết chân thực nào cả. Có thể họ không có ý gì xấu khi kể những chuyện này. Có thể họ có ý tốt cho các anh chị em và muốn khích lệ mọi người. Nhưng tại sao họ lại chọn những điều này để nói? Nếu họ đã chủ động nhắc đến chuyện này, thì hẳn họ có ý định gì đó: chủ yếu là để khoe khoang bản thân và khiến mọi người ngưỡng mộ mình. Nếu họ muốn giúp mọi người thêm lòng tin và khích lệ mọi người tin Đức Chúa Trời, thì có thể đọc thêm lời Ngài cho họ nghe, đó là lẽ thật cơ mà, tại sao cứ phải nói những chuyện bên ngoài này? Căn nguyên khiến họ nói những điều này là vì họ không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời chút nào. Họ không sợ Đức Chúa Trời. Sao họ có thể làm loạn và nói năng tùy tiện trước Đức Chúa Trời như thế? Đức Chúa Trời có tôn nghiêm! Nếu nhận thức được điều đó, họ có còn làm như thế không? Con người không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Họ tùy tiện nói Đức Chúa Trời thế này hay Đức Chúa Trời thế nọ vì động cơ cá nhân của họ, để đạt được mục đích riêng và khiến người khác coi trọng họ. Đây đơn giản là phán xét và báng bổ Đức Chúa Trời. Những kẻ như thế không có lòng kính sợ Đức Chúa Trời. Họ đều là những kẻ chống đối và báng bổ Đức Chúa Trời, một lũ tà linh và ma quỷ.

– Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Nếu ngươi cố phán xét công tác của Đức Chúa Trời và những chuyện xảy đến với con người từ góc nhìn phải trái, đúng sai thì ngươi sẽ loại bỏ chúng. Ngươi sẽ nghĩ rằng chúng không có vẻ giống với công tác của Đức Chúa Trời, rằng chúng không phù hợp với những quan niệm cũng như sự tưởng tượng của ngươi, và ngươi sẽ loại bỏ chúng. Nếu ngươi loại bỏ chúng thì làm sao ngươi có thể vâng phục chúng như vâng phục lẽ thật? Ngươi sẽ không thể. Tại sao con người lại loại bỏ chúng? Đây là do những quan niệm của con người, có nghĩa là những gì trí óc con người có thể nhận ra, những gì con người có thể thấy về các việc làm của Đức Chúa Trời và những lẽ thật mà con người có thể tiếp nhận là có hạn. Làm thế nào để có thể vượt qua những giới hạn này để thực sự biết Đức Chúa Trời? Ngươi phải đón nhận từ Đức Chúa Trời, gặp phải chuyện gì không thể nhìn thấu thì không được tùy tiện định nghĩa, có vấn đề gì không thể giải quyết thì cũng không được mù quáng đưa ra kết luận. Đây là lý trí mà con người nên có nhất. Nếu ngươi nói: “Đó không phải là do Đức Chúa Trời làm, Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ làm thế!” thì ngươi không có lý trí. Ngươi có thể thực sự hiểu được gì? Nếu ngươi dám thay mặt Đức Chúa Trời đưa ra kết luận thì ngươi thực sự không có lý trí. Đức Chúa Trời không chắc sẽ hành động đúng y như ngươi nghĩ hoặc trong phạm vi trí tưởng tượng của ngươi. Đức Chúa Trời quá vĩ đại, quá khó dò đoán, quá huyền bí, quá kỳ diệu, và quá khôn ngoan! Tại sao Ta thêm từ “quá”? Bởi vì con người không thể dò đoán Đức Chúa Trời. Ngươi là loài thọ tạo, vì vậy đừng cố dò đoán Đức Chúa Trời. Một khi không còn suy nghĩ này, ngươi sẽ có chút lý trí. Đừng cố đặt ra quy tắc cho Đức Chúa Trời, và nếu ngươi có thể không làm như vậy thì ngươi sẽ có lý trí. Có nhiều người luôn đặt quy tắc cho Đức Chúa Trời và nói rằng Đức Chúa Trời nên hành động theo một cách nhất định, rằng Đức Chúa Trời tuyệt đối sẽ làm thế này hoặc Đức Chúa Trời tuyệt đối sẽ không làm thế kia, rằng điều này tuyệt đối là hành động của Đức Chúa Trời, và điều kia tuyệt đối không phải là hành động của Đức Chúa Trời. Từ “tuyệt đối” này được thêm vào như thế nào? (Thưa, thêm vào một cách không có lý trí.) Ngươi nói rằng Đức Chúa Trời quá kỳ diệu và quá khôn ngoan nhưng sau đó ngươi lại nói rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ hành động theo một cách nhất định. Chẳng phải như thế là mâu thuẫn sao? Đó không phải là hiểu biết Đức Chúa Trời thực sự. Nếu người ta luôn luôn khăng khăng với quan điểm của riêng mình và luôn đặt quy tắc cho Đức Chúa Trời thì họ hoàn toàn không có lý trí.

Đức Chúa Trời đang thực hiện giai đoạn cuối của công tác, và không ai nghĩ rằng Ngài có thể xuất hiện cũng như làm công tác ở Trung Quốc. Ngươi không nghĩ ra được, có phải là do trong lòng ngươi có quan niệm, tưởng tượng và có hạn chế về tư tưởng không? Ngươi có thể nghĩ đến Mỹ, Vương quốc Anh hay Israel, đều có khả năng ở những nơi này, nhưng không thể tưởng tượng được rằng Đức Chúa Trời lại làm công tác ở Trung Quốc. Đối với ngươi, điều này thật không thể tưởng tượng nổi. Điều này vượt xa những quan niệm và sự tưởng tượng của con người, Đức Chúa Trời vừa mới bắt đầu công tác của Ngài ở Trung Quốc, thực hiện công tác cuối cùng và quan trọng nhất của Ngài. Điều này rất không hợp với những quan niệm của con người. Vậy, ngươi đã biết được gì từ điều này? (Thưa, biết được rằng công tác của Đức Chúa Trời không phù hợp với những quan niệm của con người, kỳ diệu và khó dò đoán.) Công tác của Đức Chúa Trời vượt xa tưởng tượng của con người, kỳ diệu khó đoán, khôn ngoan và sâu xa khó hiểu – đây là những từ mà con người dùng để mô tả mọi thứ về việc Đức Chúa Trời có gì và là gì, tâm tính và thực chất của Ngài, và đây coi như là có lý trí. Chính thông qua việc Đức Chúa Trời làm những chuyện không phù hợp quan niệm của con người mà họ mới đúc kết ra được những lời này – công tác của Đức Chúa Trời kỳ diệu và khó đoán, không phù hợp với quan niệm của con người. Người ta có thể biết được gì khác từ điều này? Biết rằng những quan niệm và sự tưởng tượng trước đây của loài người đều đã bị lật đổ hết. Vậy thì những quan niệm này từ đâu đến? Căn cứ vào những điều ngươi thấy, Trung Quốc nghèo nàn lạc hậu, Đảng Cộng sản cầm quyền, các Cơ Đốc nhân bị bức hại, không có tự do, không có nhân quyền, và người Trung Quốc có học thức kém, có vị trí thấp trên thế giới, hơn nữa bộ dạng của người Trung Quốc cũng là bộ dạng đáng thương của một “Đông Á bệnh phu”. Làm sao Đức Chúa Trời có thể nhập thể ở Trung Quốc để làm công tác của Ngài chứ? Chẳng phải đây là một quan niệm sao? Bây giờ, hãy xem quan niệm này là đúng hay sai. (Thưa, hoàn toàn sai.) Trước hết, chúng ta không nói về lý do tại sao Đức Chúa Trời lại hoạt động theo cách này, không nói liệu đó có phải là vì Ngài muốn khiêm nhường và ẩn giấu, hay liệu việc hoạt động theo cách này có mang ý nghĩa và giá trị sâu sắc hay không. Chúng ta đừng thảo luận ở cấp độ này mà hãy nói về việc liệu Đức Chúa Trời làm việc theo cách này thì có mâu thuẫn nhiều với những quan niệm của con người hay không. Mâu thuẫn rất nhiều! Con người không thể tưởng tượng được. Đó là thiên cơ và không ai biết được. Dù có tìm đến các nhà thiên văn học, các nhà địa lý học, sử gia và tiên tri, thì liệu có ai có thể luận ra được không? Không ai có thể làm được, ngay cả khi triệu tập tất cả những người có năng lực, dù còn sống hay đã chết, để phân tích và nghiên cứu thảo luận, hoặc để quan sát và nghiên cứu bằng kính thiên văn – thì tất cả đều vô ích. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là loài người quá nhỏ bé, quá vô tri, thiếu kiến thức nên không thể dò đoán việc của Đức Chúa Trời. Không dò đoán được thì ngươi đừng dò đoán nữa, ngươi dò đoán đến cuối cùng thì kết quả là gì? Những quan niệm của ngươi không tương đương với lẽ thật, và thực ra rất xa với những gì Đức Chúa Trời muốn làm. Chúng hoàn toàn không phải là cùng một thứ. Chút kiến thức mà con người có chỉ là vô dụng, không thể dò đoán ra bất cứ điều gì hay giải quyết bất cứ vấn đề gì. Giờ đây, khi các ngươi đọc lời Đức Chúa Trời, lắng nghe các bài giảng và thông công, trong lòng các ngươi có hiểu được thêm một chút không? Có phải các ngươi sẽ có được chút hiểu biết về Đức Chúa Trời không? Có người nói: “Đức Chúa Trời không bàn luận về những gì Ngài làm với chúng ta, giá mà Ngài cho chúng ta một dấu hiệu từ trên trời để chúng ta có thể hiểu Ngài dự định làm gì, hay gợi ý cho một nhà tiên tri để họ đưa ra lời tiên đoán cũng được”. Ngay cả khi có một dấu hiệu từ trên trời thì ngươi cũng sẽ không thể thấy được, và nhà tiên tri cũng không có bản lĩnh đó. Những điều Đức Chúa Trời làm trong cõi thuộc linh mãi là bí mật từ ngàn xưa đến nay, và quá bí mật đến nỗi không một con người nào có thể biết được. Dù một tiên tri hay nhà thiên văn học, học giả, chuyên gia, hay nhà khoa học trong bất kỳ lĩnh vực nào, bất luận họ có tài năng đến đâu đi nữa, có nghiên cứu cách mấy họ cũng không thể nghiên cứu được những việc của Đức Chúa Trời. Con người có thể nghiên cứu công tác trước đây của Đức Chúa Trời, họ có thể phân tích ra được một vài điều thần bí và nội hàm bên trong, và có lẽ suýt chạm vào được ý nghĩa của sự việc mà Đức Chúa Trời đã làm, nhưng không ai biết Đức Chúa Trời sẽ làm gì trong tương lai, cũng không biết trong lòng Ngài dự định thế nào. Do vậy, con người đừng lúc nào cũng muốn dò đoán Đức Chúa Trời, cũng đừng lúc nào cũng nghĩ rằng thông qua quan sát và nghiên cứu, khảo sát và thể nghiệm trong thời gian dài, phân tích nhiều mặt, thật cần cù và làm việc chăm chỉ, thì cuối cùng sẽ có thể dò đoán được Đức Chúa Trời. Điều này là không thể, và sẽ không bao giờ có kết quả. Vậy, nếu con người không thể dò đoán Đức Chúa Trời thì họ nên làm gì? (Thưa, họ nên vâng phục.) Đối với con người, vâng phục là có lý trí nhất và phù hợp nhất với tâm ý của Đức Chúa Trời; sự vâng phục là tiền đề. Mục đích của sự vâng phục là gì? Là để có thể biết Ngài nhiều hơn, đạt được lẽ thật, và có được sự sống dựa trên cơ sở trải nghiệm công tác của Đức Chúa Trời. Đây là điều các ngươi phải có được và là của báu mà các ngươi nên khao khát. Về các sự kiện lớn bên ngoài, chẳng hạn như các sự vụ quốc tế lớn, cách Đức Chúa Trời làm việc, và cách Ngài dẫn dắt loài người – nếu các ngươi có thể hiểu ra được những điều này thì càng tốt. Các ngươi nói như thế này cũng được: “Tôi không thực sự quan tâm đến những chuyện ấy. Tôi không có tố chất hay tâm trí cho chuyện đó; tôi chỉ quan tâm đến cách Đức Chúa Trời chu cấp lẽ thật cho tôi và thay đổi tâm tính của tôi”. Miễn sao ngươi có lòng vâng phục và kính sợ Đức Chúa Trời thì ngươi cuối cùng sẽ có thể có được lẽ thật và sự khôn ngoan từ Ngài. Lẽ thật thay đổi tâm tính của con người; đó là sự sống mà con người nên tìm kiếm để có được, và là con đường họ nên bước đi. Vậy, con người sẽ có được sự khôn ngoan gì? Tự lúc nào không hay, các ngươi sẽ có thể thấy được cách Đức Chúa Trời làm nhiều việc, tại sao Ngài làm những việc đó, ý định và mục tiêu của Ngài là gì, và nguyên tắc của Ngài khi làm một số chuyện là gì. Bất giác, ngươi sẽ có thể nhận ra điều này trong quá trình trải nghiệm lẽ thật của lời Đức Chúa Trời. Có thể những lời này, những việc này quá sâu sắc, và ngươi sẽ không thể diễn tả thành lời, nhưng ngươi sẽ cảm nhận được trong lòng, và có được sự hiểu biết thực sự tự lúc nào không hay.

– Làm thế nào để biết quyền tối thượng của Đức Chúa Trời, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Dù Đức Chúa Trời làm gì thì con người cũng phải thuận phục; con người là một loài thọ tạo, từ đất sét mà ra và phải thuận phục Đức Chúa Trời. Đây là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của con người, là thái độ mà con người nên có. Khi có thái độ này, con người nên đối đãi với Đức Chúa Trời và những việc Ngài làm như thế nào? Đừng bao giờ định tội, kẻo ngươi sẽ xúc phạm tâm tính của Đức Chúa Trời. Ngươi có quan niệm thì phải giải quyết quan niệm, chứ đừng định tội Đức Chúa Trời hoặc những việc Ngài làm. Một khi ngươi định tội thì ngươi sẽ tiêu tùng. Làm thế cũng giống như đứng về phía đối lập với Đức Chúa Trời và không có cơ hội nhận được sự cứu rỗi. Có lẽ ngươi nói: “Bây giờ, tôi không đứng về phía đối lập với Đức Chúa Trời nhưng tôi có những hiểu lầm về Ngài” hoặc “Lòng tôi có chút hoài nghi về Đức Chúa Trời; đức tin của tôi nhỏ bé, tôi yếu đuối và tiêu cực”. Tất cả những điều này đều xử lý được và có thể giải quyết bằng cách tìm kiếm lẽ thật, nhưng tuyệt đối đừng định tội Đức Chúa Trời. Nếu ngươi nói: “Việc Đức Chúa Trời đã làm là không đúng, không phù hợp với lẽ thật, nên tôi có lý do để hoài nghi, chất vấn, và chỉ trích. Tôi sẽ truyền tin này khắp nơi và đoàn kết mọi người để chất vấn Ngài”, như thế là phiền phức rồi. Thái độ của Đức Chúa Trời với ngươi sẽ thay đổi, và nếu ngươi định tội Ngài thì ngươi sẽ hoàn toàn tiêu tùng. Đức Chúa Trời có quá nhiều cách để báo ứng ngươi. Cho nên, con người đừng có cố tình đối kháng với Đức Chúa Trời. Nếu ngươi vô tình làm một việc chống đối Đức Chúa Trời thì sẽ không phải vấn đề lớn vì ngươi không cố ý hay có chủ tâm, và Ngài sẽ cho ngươi cơ hội hối cải. Nếu ngươi biết là Đức Chúa Trời làm mà vẫn cố ý định tội, lại còn muốn xúi giục mọi người cùng nhau phản kháng, như vậy là phiền phức rồi. Và kết quả sẽ là gì? Ngươi sẽ có kết cục giống như hai trăm năm mươi thủ lĩnh đã chống lại Môi-se. Biết đó là Đức Chúa Trời mà ngươi vẫn dám kêu gào với Ngài. Đức Chúa Trời không tranh luận với ngươi: Ngài có thẩm quyền; Ngài sẽ để mặt đất mở ra và nuốt chửng ngươi ngay lập tức, và thế là xong. Ngài sẽ không bao giờ thấy ngươi hoặc nghe ngươi tranh luận. Đây là tâm tính của Đức Chúa Trời. Tâm tính của Đức Chúa Trời đang thể hiện lúc này là gì? Là sự thịnh nộ! Cho nên, con người tuyệt đối không được kêu gào với Đức Chúa Trời hay xúc phạm làm Ngài thịnh nộ. Xúc phạm Đức Chúa Trời thì kết quả sẽ là diệt vong.

– Phần 3, Lời, Quyển 3 – Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt

Mỗi người, trong quá trình sống đời thành tín với Đức Chúa Trời, đã làm những điều chống đối và lừa dối Đức Chúa Trời. Một số hành vi sai trái không cần phải được ghi nhận như một sự xúc phạm, nhưng một số thì không thể tha thứ được; vì có nhiều việc vi phạm các sắc lệnh quản trị, xúc phạm đến tâm tính của Đức Chúa Trời. Nhiều người lo lắng cho số phận của chính mình có thể hỏi những việc này là gì. Ngươi nên biết rằng các ngươi kiêu căng và ngạo mạn từ trong bản tính, và không sẵn lòng thuận phục thực tế. Vì lý do này, Ta sẽ nói cho các ngươi từng chút một sau khi các ngươi đã suy ngẫm về chính mình. Ta khuyến giục các ngươi phải hiểu rõ hơn về nội dung của các sắc lệnh quản trị và nỗ lực để biết được tâm tính của Đức Chúa Trời. Nếu không, các ngươi sẽ khó giữ mồm giữ miệng, lưỡi của các ngươi sẽ giảo hoạt quá tự do với những cuộc chuyện trò khoa trương, và các ngươi sẽ vô tình xúc phạm đến tâm tính của Đức Chúa Trời và rơi vào sự tối tăm, đánh mất sự hiện diện của Đức Thánh Linh và sự sáng. Bởi vì các ngươi không có nguyên tắc trong hành động của mình, bởi vì ngươi làm và nói những gì không nên, nên ngươi sẽ nhận được quả báo thích đáng. Ngươi nên biết rằng mặc dù ngươi không có nguyên tắc trong lời nói và việc làm, nhưng Đức Chúa Trời lại hết sức nguyên tắc trong cả hai. Lý do ngươi nhận quả báo là bởi vì ngươi đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời, chứ không phải đến một người nào. Nếu trong cuộc đời của ngươi, ngươi phạm nhiều tội chống lại tâm tính của Đức Chúa Trời, thì ngươi sẽ bị buộc phải trở thành đứa con của địa ngục. Đối với con người, có thể dường như là ngươi đã chỉ phạm phải một vài việc đi ngược với lẽ thật và không có gì hơn. Tuy nhiên, ngươi có nhận thức được rằng trong mắt của Đức Chúa Trời, ngươi đã là kẻ mà đối với kẻ đó không còn của lễ chuộc tội nào thêm nữa? Bởi vì ngươi đã vi phạm các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời hơn một lần và đã thế lại không thể hiện dấu hiệu của sự hối cải, nên không còn cách nào khác ngoài việc phải cho ngươi rơi xuống địa ngục, nơi Đức Chúa Trời trừng phạt con người. Một số ít người, trong khi theo Đức Chúa Trời, đã thực hiện một số việc vi phạm các nguyên tắc, nhưng sau khi được tỉa sửa và được ban cho sự chỉ dẫn, họ dần dần đã phát hiện ra sự bại hoại của chính mình, sau đó đã bước vào con đường đúng đắn của hiện thực và họ vẫn có nền tảng vững vàng hiện nay. Những người như vậy là những người sẽ còn lại sau rốt. Tuy nhiên, sự trung thực là thứ mà Ta tìm kiếm; nếu ngươi là một người trung thực và là người hành động theo nguyên tắc, thì ngươi có thể là một người thân tín của Đức Chúa Trời. Nếu trong hành động của ngươi, ngươi không xúc phạm đến tâm tính của Đức Chúa Trời, tìm kiếm tâm ý của Đức Chúa Trời và có một tấm lòng kính sợ Đức Chúa Trời, thì sự thành tín của ngươi là đạt tiêu chuẩn. Bất cứ ai không kính sợ Đức Chúa Trời và không có một tấm lòng run rẩy trong sợ hãi thì khả năng cao sẽ vi phạm các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời. Nhiều người phụng sự Đức Chúa Trời do bởi niềm đam mê nhưng lại chẳng hiểu gì về các sắc lệnh quản trị của Đức Chúa Trời, càng không có bất kỳ chút ý niệm nào về những hàm ý trong lời Ngài. Và vì vậy, với ý định tốt của mình, họ thường rốt cuộc làm những việc làm nhiễu loạn sự quản trị của Đức Chúa Trời. Trong các trường hợp nghiêm trọng, họ còn bị ném ra ngoài, bị tước đi bất kỳ cơ hội nào thêm nữa để theo Ngài và bị ném xuống địa ngục, tất cả cuối cùng đều liên kết với nhà Đức Chúa Trời.

– Ba điều răn, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời

Mỗi câu Ta đã phán đều chứa đựng trong đó tâm tính của Đức Chúa Trời. Các ngươi nên suy ngẫm kỹ những lời của Ta, và các ngươi chắc chắn sẽ được lợi rất nhiều từ chúng. Thực chất của Đức Chúa Trời rất khó nắm bắt, nhưng Ta tin tưởng rằng hết thảy các ngươi ít nhất cũng có ý niệm nào đó về tâm tính của Đức Chúa Trời. Vậy nên Ta hy vọng rằng các ngươi sẽ có nhiều thứ hơn nữa để cho Ta thấy về những việc các ngươi đã làm mà không xúc phạm đến tâm tính của Đức Chúa Trời. Được vậy thì Ta sẽ an tâm. Chẳng hạn, hãy giữ Đức Chúa Trời trong lòng ngươi mọi lúc. Khi ngươi hành động, hãy làm theo những lời của Ngài. Hãy kiếm tìm ý định của Ngài trong mọi sự, và kiềm chế không làm những điều bất kính cũng như làm ô danh Đức Chúa Trời. Ngươi càng không nên giữ Đức Chúa Trời trong thâm tâm, để lấp đầy những khoảng trống tương lai trong lòng mình. Nếu ngươi làm điều này, ngươi đã xúc phạm tâm tính của Đức Chúa Trời. Thêm nữa, giả sử ngươi chưa bao giờ đưa ra những lời nhận xét báng bổ hoặc ca thán về Đức Chúa Trời suốt cuộc đời mình, và lại nữa, giả sử ngươi có thể hoàn thành đúng đắn tất cả những gì Ngài đã giao phó cho ngươi và cũng thuận phục mọi lời Ngài suốt đời ngươi, vậy thì ngươi sẽ tránh được việc vi phạm các sắc lệnh quản trị. Ví dụ, nếu ngươi đã từng nói: “Sao tôi chẳng nghĩ rằng Ngài là Đức Chúa Trời?” “Tôi nghĩ rằng những lời này chẳng hơn gì một chút khai sáng của Đức Thánh Linh”, “Theo tôi, không phải mọi điều Đức Chúa Trời làm đều nhất thiết phải đúng”, “Nhân tính của Đức Chúa Trời không hơn gì của tôi”, “Những lời của Đức Chúa Trời đơn giản là không thể tin được”, hay những lời phán xét khác tương tự như thế, thì Ta khuyên ngươi nên xưng tội và ăn năn tội lỗi của mình thường xuyên hơn. Nếu không, ngươi sẽ không bao giờ có cơ hội được tha thứ, bởi ngươi không phải xúc phạm một con người, mà là chính Đức Chúa Trời. Ngươi có thể tin rằng mình đang phán xét một con người, nhưng Thần của Đức Chúa Trời không nhìn nhận như vậy. Sự bất kính của ngươi với xác thịt Ngài thì cũng như bất kính với Ngài. Như vậy, ngươi chưa xúc phạm tâm tính Đức Chúa Trời sao? Ngươi phải nhớ rằng tất cả những gì do Thần của Đức Chúa Trời làm đều được thực hiện để đảm bảo công tác của Ngài trong xác thịt và để công tác này được hoàn thành tốt đẹp. Nếu ngươi phớt lờ điều này, thì Ta cho rằng ngươi là kẻ chẳng bao giờ có thể thành công trong việc tin vào Đức Chúa Trời. Bởi ngươi đã khiêu khích cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, và vì thế, Ngài sẽ dùng sự trừng phạt thích đáng để dạy cho ngươi một bài học.

– Hiểu được tâm tính của Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng, Lời, Quyển 1 – Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời

Mặc dù thực chất của Đức Chúa Trời có một yếu tố về tình yêu thương, và Ngài có lòng thương xót đối với từng người một, nhưng con người đã bỏ qua và quên mất một điều rằng trong thực chất của Ngài có sự tôn nghiêm. Việc Ngài có tình yêu thương không có nghĩa là con người có thể tự do xúc phạm Ngài, mà không gợi trong Ngài cảm giác hay phản ứng gì, và thực tế là Ngài có lòng thương xót cũng không có nghĩa là Ngài không có nguyên tắc trong cách đối xử với con người. Đức Chúa Trời là hằng sống; Ngài thực sự hiện hữu. Ngài không phải là một con rối được tưởng tượng ra hay bất kỳ vật thể nào khác. Vì Ngài hiện hữu, chúng ta nên cẩn thận lắng nghe tiếng lòng của Ngài mọi lúc, chú ý kỹ đến thái độ của Ngài và bắt đầu hiểu cảm nhận của Ngài. Chúng ta không nên dùng tưởng tượng của con người để quy định Đức Chúa Trời, và cũng không nên áp đặt những suy nghĩ và ước muốn của con người lên Ngài, làm cho Đức Chúa Trời đối xử với con người theo cách thức của con người và dựa trên những sự tưởng tượng của con người. Nếu ngươi làm điều này, thì ngươi đang chọc giận Đức Chúa Trời, đang thử thách thịnh nộ của Ngài, và thách thức tôn nghiêm của Ngài! Do đó, một khi các ngươi đã bắt đầu hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, Ta khuyên mỗi một người các ngươi hãy cẩn thận và thận trọng trong hành động và lời nói, trong chuyện đối đãi với Đức Chúa Trời, các ngươi nhất định phải cẩn thận và thận trọng hết sức có thể! Khi ngươi không hiểu được thái độ của Đức Chúa Trời, thì đừng nói năng bừa bãi, đừng làm việc bừa bãi, và đừng chụp mũ một cách tùy ý. Thậm chí quan trọng hơn, đừng đi đến bất kỳ kết luận nào một cách tùy tiện. Thay vào đó, ngươi nên chờ đợi và tìm kiếm; những hành động này cũng là một biểu hiện của việc kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Trên hết, nếu ngươi có thể đạt được điều này, và trên hết, nếu ngươi có thái độ này, thì Đức Chúa Trời sẽ không trách cứ ngươi vì sự ngớ ngẩn, ngu dốt và thiếu hiểu biết về những lý do đằng sau các sự việc. Thay vào đó, nhờ thái độ e sợ xúc phạm đến Đức Chúa Trời, tôn trọng ý định của Ngài và sẵn lòng thuận phục Ngài của ngươi, mà Đức Chúa Trời sẽ nhớ đến ngươi, dẫn dắt và khai sáng ngươi, hoặc khoan dung cho sự non nớt và thiếu hiểu biết của ngươi. Ngược lại, nếu ngươi có thái độ bất kính đối với Ngài – phán xét Ngài tùy thích hoặc tùy tiện phán đoán và định nghĩa các tư tưởng của Ngài – thì Đức Chúa Trời sẽ lên án ngươi, sửa dạy ngươi, và thậm chí trừng phạt ngươi; hoặc là, Ngài có thể đưa ra sự nhận xét về ngươi. Có thể sự nhận xét này sẽ bao gồm kết cục của ngươi. Do đó, Ta muốn nhấn mạnh một lần nữa: Từng người các ngươi nên cẩn thận và cẩn trọng về mọi thứ đến từ Đức Chúa Trời. Đừng nói năng một cách bất cẩn, và đừng sơ suất trong các hành động của mình. Trước khi ngươi nói bất cứ điều gì, ngươi nên dừng lại và suy nghĩ: Liệu hành động này của tôi có chọc giận Đức Chúa Trời không? Khi làm điều đó, tôi có kính sợ Đức Chúa Trời không? Thậm chí trong những vấn đề đơn giản, ngươi cũng nên cố gắng tìm hiểu những câu hỏi này, và dành nhiều thời gian hơn để xem xét chúng. Nếu ngươi có thể thực sự thực hành theo những nguyên tắc này trong mọi phương diện, trong mọi sự việc, trong mọi lúc, và áp dụng một thái độ như thế đặc biệt là khi ngươi không hiểu điều gì đó, thì Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn dẫn dắt ngươi và cung cấp cho ngươi một con đường để đi theo. Bất kể con người có trình diễn với hình thức nào đi nữa, thì Đức Chúa Trời cũng nhìn thấy chúng hoàn toàn rõ ràng và hiển nhiên, và Ngài sẽ đưa ra một sự đánh giá chính xác và thích đáng về những màn biểu diễn này của ngươi. Sau khi ngươi đã trải qua sự thử luyện cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ gom tất cả các hành vi của ngươi và tổng kết lại toàn bộ để định đoạt kết cục của ngươi. Kết quả này sẽ thuyết phục từng người một không có chút nghi ngờ. Điều mà Ta muốn phán với ngươi ở đây là: Mỗi việc làm của ngươi, mỗi hành động của ngươi và mỗi suy nghĩ của người đều quyết định số phận của các ngươi.

– Cách nhận biết tâm tính của Đức Chúa Trời và các kết quả mà công tác của Ngài sẽ đạt được, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hằng sống, và giống như con người hành xử khác nhau trong những tình huống khác nhau, thái độ của Ngài đối với những hành vi này cũng khác nhau bởi vì Ngài không phải là một con rối mà Ngài cũng không phải là một khối không khí. Nhận biết được thái độ của Đức Chúa Trời là một mưu cầu đáng giá đối với nhân loại. Thông qua việc biết được thái độ của Đức Chúa Trời, con người nên học cách để có thể có được sự hiểu biết về tâm tính của Đức Chúa Trời từng chút một và bắt đầu hiểu được lòng Ngài. Khi ngươi dần dần bắt đầu hiểu được lòng Đức Chúa Trời, ngươi sẽ không cảm thấy việc kính sợ Ngài và lánh khỏi điều ác là một việc khó thực hiện đến thế. Hơn nữa, khi ngươi hiểu được Đức Chúa Trời, ngươi sẽ không thể quy định về Ngài như vậy. Một khi ngươi đã ngừng quy định về Đức Chúa Trời, ngươi sẽ ít có khả năng xúc phạm đến Ngài, và khi ngươi không hề nhận ra điều đó, Đức Chúa Trời sẽ dẫn dắt ngươi để có được sự hiểu biết về Ngài; điều này sẽ làm lòng ngươi tràn đầy sự kính sợ dành cho Ngài. Sau đó ngươi sẽ ngừng định nghĩa Đức Chúa Trời thông qua câu chữ và đạo lý, và những lý thuyết mà ngươi đã nắm vững. Thay vào đó, bằng việc thường xuyên tìm kiếm ý của Đức Chúa Trời trong mọi sự, ngươi sẽ vô thức trở thành người hợp tâm ý của Đức Chúa Trời.

Công tác của Đức Chúa Trời thì con người không nhìn thấy được và không thể chạm tới được, nhưng về phần Ngài, những hành động của mỗi một người – cùng với thái độ của họ đối với Ngài – không những Đức Chúa Trời có thể cảm nhận được, mà Ngài còn có thể thấy được. Đây là điều mà mọi người nên nhận ra và hiểu thật rõ. Ngươi có thể luôn luôn tự hỏi: “Đức Chúa Trời có biết tôi đang làm gì ở đây không? Ngài có biết ngay lúc này tôi đang nghĩ gì không? Có thể Ngài biết, và có thể Ngài không biết”. Nếu ngươi chấp nhận loại quan điểm này, đi theo và tin vào Đức Chúa Trời nhưng vẫn nghi ngờ về công tác của Ngài và sự hiện hữu của Ngài, thì sớm muộn gì cũng sẽ đến một ngày ngươi sẽ làm Ngài tức giận, vì ngươi đang ở trên bờ vực thẳm rồi. Ta đã thấy những người đã tin Đức Chúa Trời trong nhiều năm nhưng mà vẫn chưa có được thực tế lẽ thật, càng không hiểu được tâm ý của Đức Chúa Trời. Những người này không có tiến bộ gì trong đời sống và vóc giạc của mình mà chỉ tuân thủ những giáo lý nông cạn nhất. Đó là vì những người như thế chưa bao giờ xem lời Đức Chúa Trời chính là sự sống, và chưa bao giờ đối mặt và chấp nhận sự hiện hữu của Ngài. Ngươi có nghĩ rằng khi nhìn thấy những người như thế Đức Chúa Trời sẽ tràn đầy niềm vui không? Họ có an ủi Ngài không? Do đó, chính cách mà con người tin vào Đức Chúa Trời quyết định số phận của họ. Liên quan đến cách con người tìm kiếm và cách họ tiếp cận Đức Chúa Trời, thì thái độ của con người có tầm quan trọng hàng đầu. Đừng thờ ơ với Đức Chúa Trời như thể Ngài chỉ là một khối không khí bay lơ lửng phía sau gáy ngươi; hãy luôn luôn nghĩ rằng Đức Chúa Trời mà ngươi tin là một Đức Chúa Trời hằng sống, một Đức Chúa Trời có thật. Ngài không ngồi quanh quẩn trên tầng trời thứ ba mà không có gì để làm. Đúng hơn, Ngài đang thường xuyên nhìn vào tấm lòng của mọi người, quan sát xem ngươi đang làm gì, theo dõi từng lời nói và từng hành động của ngươi, theo dõi cách ngươi cư xử và xem ngươi có thái độ nào đối với Ngài. Dù ngươi có sẵn lòng dâng mình cho Đức Chúa Trời hay không, tất cả những thái độ của ngươi và suy nghĩ và tư tưởng thầm kín nhất của ngươi đều được phơi bày trước Ngài và được Ngài xem xét. Do hành vi của ngươi, do việc làm của ngươi, và do thái độ của ngươi đối với Ngài mà nhận định của Đức Chúa Trời về ngươi và thái độ của Ngài đối với ngươi liên tục thay đổi. Ta muốn đưa ra vài lời khuyên cho một số người: Đừng đặt mình như là đứa trẻ sơ sinh vào tay Đức Chúa Trời, như thể Ngài sẽ cưng chiều ngươi, như thể Ngài không bao giờ có thể bỏ rơi ngươi, và như thể thái độ của Ngài đối với ngươi đã được cố định và không bao giờ có thể thay đổi, và Ta khuyên ngươi thôi đừng mơ nữa! Đức Chúa Trời là công chính trong cách đối xử của Ngài đối với từng người một, và Ngài sốt sắng trong cách tiếp cận của Ngài đối với công tác chinh phục và cứu rỗi con người. Đây là sự quản lý của Ngài. Ngài đối xử nghiêm túc với từng người một, và không giống như chơi đùa với một con thú cưng. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người không phải là kiểu nuông chiều hay làm hư, và lòng thương xót và khoan dung của Ngài đối với nhân loại cũng không phải là chiều theo hoặc thờ ơ. Trái lại, tình yêu thương của Đức Chúa Trời liên quan đến sự yêu kính, thương xót và tôn trọng đời sống; lòng thương xót và khoan dung của Ngài truyền tải những kỳ vọng của Ngài về họ, và là những gì mà nhân loại cần để tồn tại. Đức Chúa Trời hằng sống, và Đức Chúa Trời thực sự hiện hữu; thái độ của Ngài đối với nhân loại là có nguyên tắc, hoàn toàn không phải là một loại quy định, và nó có thể thay đổi. Các ý định của Ngài đối với nhân loại đang dần dần thay đổi và biến đổi theo thời gian, tùy thuộc và những bối cảnh khi chúng nảy sinh, và theo thái độ của từng người một. Do đó, ngươi nên biết trong lòng một cách hoàn toàn rõ ràng rằng thực chất của Đức Chúa Trời thì không thay đổi, và rằng tâm tính của Ngài sẽ tỏ lộ vào những thời điểm khác nhau và trong những bối cảnh khác nhau. Ngươi có thể không nghĩ rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng, và ngươi có thể sử dụng những quan niệm riêng của bản thân ngươi để tưởng tượng Đức Chúa Trời nên làm mọi việc như thế nào. Tuy nhiên, có những thời điểm thái cực đối lập với quan điểm của ngươi lại đúng, và bằng việc sử dụng những quan niệm riêng của bản thân để cố gắng đánh giá Đức Chúa Trời, ngươi đã chọc giận Ngài. Đó là vì Đức Chúa Trời không vận hành theo cách ngươi nghĩ, và Ngài cũng không giải quyết vấn đề này giống như ngươi nói Ngài sẽ làm. Do đó, Ta nhắc ngươi hãy cẩn thận và khôn ngoan trong cách tiếp cận của mình đối với mọi thứ xung quanh ngươi, và học cách thực hành theo nguyên tắc “tuân theo đường lối của Đức Chúa Trời – đó là kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác” trong mọi sự. Ngươi phải phát triển một sự hiểu biết chính xác liên quan đến những vấn đề về tâm ý của Đức Chúa Trời và thái độ của Đức Chúa Trời, ngươi phải tìm ra những người đã được khai sáng để truyền đạt những vấn đề này cho ngươi, và ngươi phải tìm kiếm một cách sốt sắng. Đừng xem Đức Chúa Trời trong niềm tin của ngươi là một con rối – tùy tiện phán xét Ngài, tùy tiện đi đến kết luận về Ngài, và đối xử với Ngài bằng sự khinh mạn. Trong khi Đức Chúa Trời đang mang đến cho ngươi sự cứu rỗi và định đoạt kết cục của ngươi, Ngài có thể ban cho ngươi sự thương xót, hoặc khoan dung, hoặc phán xét và hành phạt, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, thái độ của Ngài đối với ngươi không cố định. Điều đó phụ thuộc vào thái độ của bản thân ngươi đối với Ngài, cũng như sự hiểu biết của ngươi về Ngài. Đừng để một khía cạnh thoáng qua trong kiến thức của ngươi hay sự hiểu biết của ngươi về Đức Chúa Trời định nghĩa về Ngài đến đời đời. Đừng tin vào một vị Đức Chúa Trời đã chết; hãy tin vào Đấng hằng sống. Hãy nhớ lấy điều này! Mặc dù Ta đã bàn về một vài sự thật ở đây – những sự thật các ngươi cần phải nghe – xét theo tình trạng hiện nay và vóc giạc hiện nay của các ngươi, Ta sẽ không đặt ra những yêu cầu lớn lao hơn đối với các ngươi bây giờ, để không làm giảm sự nhiệt thành của các ngươi. Làm như thế có thể làm lòng các ngươi đầy sự ảm đạm và khiến các ngươi cảm thấy quá thất vọng đối với Đức Chúa Trời. Thay vào đó, Ta hy vọng các ngươi có thể dùng tấm lòng yêu kính Đức Chúa Trời và dùng một thái độ kính trọng đối với Đức Chúa Trời khi đi trên con đường phía trước. Đừng có loay hoay với vấn đề làm cách nào để tin vào Đức Chúa Trời; hãy xem nó là một trong những vấn đề lớn nhất. Hãy đặt nó vào lòng ngươi, đưa nó vào thực hành, và liên hệ nó với thực tế; đừng chỉ nói lời chót lưỡi đầu môi – vì đây là một vấn đề sinh tử, và là điều sẽ quyết định số phận của ngươi. Đừng xem nó như một trò đùa hay trò chơi của trẻ con!

– Cách nhận biết tâm tính của Đức Chúa Trời và các kết quả mà công tác của Ngài sẽ đạt được, Lời, Quyển 2 – Về việc biết Đức Chúa Trời

Thánh ca liên quan

Đức Chúa Trời có đơn giản như ngươi bảo?

Trước:  11. Cách giải quyết vấn đề thử thách Đức Chúa Trời

Tiếp theo:  13. Cách giải quyết vấn đề con người thực hiện bổn phận sợ chịu khổ, sợ gánh trách nhiệm

Sự xuất hiện và công tác của Đức Chúa Trời Về việc biết Đức Chúa Trời Những cuộc trò chuyện bởi Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Vạch rõ kẻ địch lại Đấng Christ Chức trách của lãnh đạo và người làm công Về việc mưu cầu lẽ thật Về việc mưu cầu lẽ thật Sự phán xét khởi từ nhà Đức Chúa Trời Những lời trọng yếu từ Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đấng Christ của thời kỳ sau rốt Lời Đức Chúa Trời Hằng Ngày Các thực tế lẽ thật mà người tin Đức Chúa Trời phải bước vào Theo Chiên Con Và Hát Những Bài Ca Mới Những chỉ dẫn cho việc truyền bá Phúc Âm của vương quốc Chiên của Đức Chúa Trời nghe tiếng của Đức Chúa Trời Lắng nghe tiếng Đức Chúa Trời thấy được sự xuất hiện của Đức Chúa Trời Những câu hỏi và câu trả lời thiết yếu về Phúc Âm của Vương quốc Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 1) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 2) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 3) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 4) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 5) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 6) Chứng ngôn trải nghiệm trước tòa phán xét của Đấng Christ (Tập 7) Tôi Đã Quay Về Với Đức Chúa Trời Toàn Năng Như Thế Nào

Cài đặt

  • Văn bản
  • Chủ đề

Màu Đồng nhất

Chủ đề

Phông

Kích cỡ Phông

Khoảng cách Dòng

Khoảng cách Dòng

Chiều rộng Trang

Mục lục

Tìm kiếm

  • Tìm kiếm văn bản này
  • Tìm kiếm cuốn sách này

Connect with us on Messenger